Dân Việt

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Phe Dân Chủ lặp lại sai lầm chí tử hồi 2016

Tiểu Đào (Theo RT) 07/11/2018 10:20 GMT+7
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ 2018 được đánh giá là trận đối đầu lại giữa phe Dân Chủ và Cộng Hòa. Thế nhưng, dường như phe cánh hữu và truyền thông đang “đi theo vết xe đổ” của năm 2016.

img

"Bổn cũ soạn lại" của phe Dân Chủ đang có phản tác dụng trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ 2018?. Ảnh: Reuters.

Theo RT, khi mùa bầu cử tới, báo đài, truyền thông, người nổi tiếng và các chương trình giải trí lại chạy hết công suất không chỉ để kêu gọi cử tri đi bầu cử mà còn nhắm tới việc giành từng lá phiếu của năm nay cho đảng Dân Chủ. Khắp các trang báo là các bài viết về việc những người Dân Chủ “đang làm nên lịch sử”, sự phát triển không thể tránh khỏi của “Con sóng Xanh dương” cũng như bản chất phân biệt chủng tộc của những người thuộc phe Cộng Hòa, đặc biệt là cá nhân Tổng thống Donald Trump.

Bầu không khí của bầu cử năm nay gần như tương tự năm 2016, điều khác biệt duy nhất có lẽ là hầu hết các cơ quan truyền thông – vốn ủng hộ ứng viên Hillary Clinton hồi 2016 – không hề giấu sự thiên vị, ưu ái của mình cho phe Dân Chủ. Mọi thứ giờ đều “mở”, công khai chống lại Tổng thống Trump, đảng Cộng Hòa và những người ủng hộ của ông. Tuy nhiên, điều trớ trêu ở đây là chính sự thiên vị, ưu ái này lại là nhân tố làm lên sự ảnh hưởng của người đứng đầu Nhà Trắng.

Cụ thể, dù có tính chất đối đầu giống hồi bầu cử Tổng thống 2016, cả hai đảng chính của Mỹ lại có lý do khác nhau khi bắt đầu cuộc chạy đua 2018. Về phía mình, đảng Dân Chủ hi vọng rằng chiến thắng của Tổng thống Trump là ăn may, “lỗi hệ thống” và sức mạnh của những người ủng hộ, giới truyền thông sẽ giúp đảng này quay lại nắm quyền lực. Trong khi đó, đảng Cộng Hòa lại tin rằng chiến thắng hồi 2016 là kết quả của một cuộc cách mạng chính trị và họ hoàn toàn có thể “bổn cũ soạn lại” chiến thuật cho năm 2018.

Theo RT, không may là cả trong 2 mùa bầu cử, phe Dân Chủ đã không nhận ra sai lầm chí tử của mình: các chiến thuật hiện tại đang sử dụng không hề có “xi nhê” đối với Trump – người vốn không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp và cũng không hành xử theo kiểu chính trị gia. Dù có yêu hay thích, đồng ý hay bất đồng với nhà lãnh đạo này, đây là một sự thật. Tuy nhiên, thay vì nhận ra sự thật này và điều chỉnh chiến lược, những người chỉ trích Trump lại chọn cách dùng truyền thông, mạng xã hội để bôi nhọ, “ném đá” ông một cách mù quáng. Đương nhiên, “Đồ phân biệt chủng tộc” (Racist) – thứ mà phe Dân Chủ thường gọi Trump – không phải là câu thần chú giúp lật đổ vị thế của phe Cộng Hòa.

Chính cách nghĩ này đã làm hại phe Dân Chủ vào năm 2016. Theo đó, cả truyền thông lẫn bộ máy tranh cử của bà Hillary Clinton đã “ở trên mây”, không chịu nhìn thẳng vào sự thật mà lại chạy theo niềm tin rằng “sự thật” có thể được tạo ra nhằm thao túng dư luận. Cần nhớ rằng, trong cuộc chạy đua ứng viên đảng Dân Chủ, nội bộ đảng này đã cố tình loại bỏ Thượng nghị sĩ Bernie Sanders – người được cho là có thể dễ dàng chiến thắng Donald Trump – để Clinton có cơ hội trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Chính lúc ấy, truyền thông đã “ngoảnh mặt làm ngơ”, giả vờ rằng việc này chưa hề xảy ra. Sau đó, các cơ quan báo chí còn tự tin dự đoán “Con lừa” sẽ đè bẹp “Con voi”. Kết quả là vào tối 8.11, cả nước Mỹ đã sốc trước chiến thắng không tưởng của Donald Trump còn phe Dân Chủ thì “dài mặt”, không tin nổi vào sự thật quá đau đớn.

Đáng lẽ, lần thất bại này phải được tận dụng để nhìn lại chiến lược, tìm ra nguyên nhân đằng sau và học hỏi để chuẩn bị cho lần bầu cử sau. Thế nhưng, ngay sau đó, Clinton đã đổ lỗi cho người Nga can thiệp bầu cử. Nắm được cơ hội này, cả bộ máy truyền thông thi nhau vào mổ xẻ, chỉ trích và nghi ngờ chiến thắng của Tổng thống Donald Trump.

Hiện tại, phe Dân Chủ lý luận rằng lịch sử cho thấy đảng cầm quyền luôn luôn thua bầu cử nhiệm kỳ đầu. Thế nhưng, theo RT, việc này có thể đúng với các đời Tổng thống Mỹ trước nhưng không phải bây giờ, không phải chính quyền dưới sự lãnh đạo của Donald Trump. Kinh tế Mỹ hiện vẫn đang phát triển rất rốt và đây sẽ là một nền tảng vững chắc của ông Trump và phe Cộng Hòa.

Về cơ bản, thay vì chỉ trích chính sách của Tổng thống Trump, những người chỉ trích lại chỉ tập trung vào hình ảnh “Vị Tổng thống Tồi”. Chiến thuật này đã thất bại vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tạo nên “hiệu ứng Donald Trump” và rất có thể điều này sẽ lặp lại vào bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ 2018.