Đó là thông tin dự báo được đưa ra tại Hội thảo “Chia sẻ và kết nối các tổ chức về ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu”, diễn ra sáng 7.11 tại TP.HCM. Hội thảo do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AVV) đồng tổ chức.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL” do Tổ chức Bánh mì thế giới (BFDW) và AVV đồng tài trợ. Dự án được thực hiện từ 12.2016 đến 12.2018 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, chính quyền địa phương thuộc các địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai và BĐKH. Ảnh: HQ
Theo đại diện BTC, mục tiêu của dự án nhắm đến 2 mục tiêu chính: Nâng cao năng lực của cộng đồng (đặc biệt là phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số) nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Các bài học kinh nghiệm về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giảm nhẹ tác động của BĐKH trong quá trình triển khai dự án được nhân rộng tại cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Sau gần 2 năm thực hiện, dự án đã xây dựng và phát triển những mô hình và thực tiễn tốt được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao như: Cơ chế phối hợp phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng; Mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH – Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới; Ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu về rủi ro thiên tai và tính dễ bị tổn thương, vận hành hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng kế hoạch phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Các đại biểu được chia nhóm thảo luận theo các chủ đề đưa ra tại hội thảo. Ảnh: HQ
Theo nghiên cứu đầu kỳ của dự án, 13% hộ gia đình bị mất hoàn toàn hoặc buộc phải bỏ hoang diện tích đất đai/mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp. 6,3% hộ gia đình phải bỏ tiền để khắc phục các vấn đề liên quan đến nguồn nước sinh hoạt hoặc dịch bệnh. Bình quân mỗi hộ bị ảnh hưởng phải bỏ tới hơn 73 ngày công lao động/hộ để khắc phục các ảnh hưởng của BĐKH.
Theo ông Vũ Bá Quan, sạt lở đất đang diễn ra tại địa phương là một vấn đề cần quan tâm nhiều hơn. Ảnh: IT
Ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, đại diện địa phương dự án triển khai cho biết: “Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới cho các hộ nghèo, dân tộc ở 3 xã của huyện Kế Sách được Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao vì đây là mô hình đầu tiên ở Sóc Trăng tập trung hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng tiếp tục sản xuất và cải thiện thu nhập trong bối cảnh điều kiện BĐKH diễn ra ngày càng bất lợi trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp phòng chống thiên tai do dự án hỗ trợ xây dựng và hoàn chỉnh giúp làm rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò tích cực của các nhóm cộng đồng. Đây là 2 thành công quan trọng của dự án”.
Theo bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc điều hành AFV, quá trình thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn, như việc tiêu thụ rau hữu cơ cho người tham gia dự án giá cả chưa như mong muốn. Ảnh: HQ
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc điều hành AFV cho biết, ứng dụng PDG trên điện thoại thông minh giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên có thể tham gia cung cấp các thông tin liên quan đến hiện tượng thiên tai xảy ra ở địa phương mình cho các cơ quan liên quan, đồng thời nhận các thông tin cảnh báo sớm về thiên tai có thể xảy ra để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Thông tin tổng hợp từ phần mềm sẽ được phân tích và làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai của địa phương. Bên cạnh đó, các kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai các cấp được xây dựng với sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là cộng động; các kế hoạch này được lồng ghép vào kế hoạch phát triển KT-XH địa phương để có sự phân bổ ngân sách và nguồn lực phù hợp. |