Dân Việt

Trump “thắng lớn” dù để mất Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ Mỹ?

Đăng Nguyễn - The Hill 07/11/2018 15:05 GMT+7
Đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ Donald Trump để mất Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ, nhưng ông Trump vẫn coi đây là “thắng lợi to lớn”.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Thắng lợi to lớn tối nay. Cảm ơn tất cả các bạn!”, ông Trump viết khi Đảng Dân chủ đã nắm chắc chiến thắng ở Hạ viện.

Ông Trump dẫn câu nói của nhà bình luận Ben Stein, rằng Tổng thống đóng vai trò to lớn giúp các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tiếp tục chiếm đa số trong Thượng viện.

Việc để mất Hạ viện dĩ nhiên là một tín hiệu không tốt, thể hiện phần nào quan điểm của người dân Mỹ sau hai năm ông Trump làm Tổng thống.

Nhưng điều quan trọng là mọi thứ vẫn nằm trong kế hoạch mà Nhà Trắng đã đưa ra từ lâu. Đó là Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện.

“Tôi nghĩ đây là một chiến thắng lớn cho Tổng thống. Thượng viện sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Đảng Cộng hòa”, thư ký báo chí nhà Trắng Sarah Huckabee nói với NBC.

Chiến dịch vận động của ông Trump trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ rõ ràng đã đem lại hiệu quả. Các bang Florida, Indiana và Missouri là nơi ông Trump dừng chân hai lần trong những ngày cuối chiến dịch, đều bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa ở Thượng viện.

img

Người dân Mỹ đi bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Chiếm đa số ghế ở Thượng viện giúp ông Trump tiếp tục đề ra các quyết sách quan trọng, đưa thêm thẩm phán vào tòa án liên bang hay dọn đường để tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc.

Ông Trump đã gọi cho lãnh đạo đa số Hạ viện Nancy Pelosi, chúc mừng chiến thắng của Đảng Dân chủ, điều mà không nhiều người dự đoán từ trước.

“Đảng Dân chủ một khi nắm Hạ viện thì họ không nên phí thời gian vào việc điều tra Tổng thống. Họ nên tập trung giải quyết những gì mà người dân mong muốn khi bầu họ vào vị trí này”, bà Sanders nói.

Đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện đồng nghĩa với việc các chính sách của Trump sẽ gặp khó khăn hơn để được thông qua.

img

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington D.C.

Theo quy định, một quyết sách chỉ được thông qua khi cả Thượng viện và Hạ viện bỏ phiếu tán thành. Điều đó có nghĩa là Đảng Dân chủ hoàn toàn có thể phủ quyết các chính sách mà ông Trump đề ra.

Nhưng Thượng viện Mỹ có một số quyền lực đặc biệt mà Hạ viện không có, như tán thành hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm các bộ trưởng, thẩm phán liên bang và quan chức liên bang khác.

Theo giới quan sát, dù thất bại ở Hạ viện nhưng ông Trump lại giành thêm những nghị sĩ ủng hộ mình trong quốc hội.

Kết quả là những đại diện của đảng Cộng hòa ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ nhiều khả năng chỉ còn những người thể hiện quan điểm trung thành với ông Trump, chuyên gia phân tích chính trị Sarah Binder thuộc Viện Brookings nhận định.

Bởi trước khi bầu cử giữa nhiệm kỳ, Đảng Cộng hòa nắm cả Thượng viện và Hạ viện nhưng có dự luật vẫn không thể thông qua. Đó là lá phiếu phản đối của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain với đạo luật thay thế chương trình y tế Obamacare mà ông Trump đề xuất. Hiện nay, số nghị sĩ đảng Cộng hòa có quan điểm đối nghịch với Trump hầu như đã không còn.

Cứ hai năm một lần, người Mỹ đi bầu lại 435 nghị sĩ Hạ viện và 1/3 nghị sĩ Thượng viện.

Nghị sĩ Hạ viện thường được bầu phản ánh tiếng nói của người dân. Trong khi, Thượng viện được trao nhiều quyền hạn to lớn hơn.

Mọi quyết sách chỉ được phép thông qua nếu có cả sự đồng thuận của Hạ viện và Thượng viện.

Thượng viện Mỹ có một số quyền lực đặc biệt mà Hạ viện không có, như tán thành hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm các bộ trưởng, thẩm phán liên bang và quan chức liên bang khác.

Hạ viện Mỹ có quyền đưa ra các đạo luật về thu nhập, truất phế các viên chức và bầu tổng thống nếu như đại cử tri đoàn không quyết định được ai thắng cử.

Ông Trump đòi rút khỏi hiệp ước hạt nhân, Nga nói gì?

"Họ đã vi phạm hiệp ước này và chế tạo vũ khí mới suốt nhiều năm qua, trong khi Washington không được phép làm vậy....