Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến mảnh đất này là sự thay đổi đến không ngờ của thị trấn Đà Bắc. Trung tâm huyện lỵ đã khác xưa nhiều: nhà cao tầng san sát mọc lên hai bên trục đường chính; phố xá khang trang, ô tô, xe máy chạy tấp nập... Vóc dáng đô thị đã hiển hiện, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Tìm lợi thế từ những khó khăn
Mô hình nuôi cá lồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân ven hồ thủy điện sông Đà. Ảnh: N.T
Mục tiêu trong năm 2018, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân toàn huyện là 11 tiêu chí/xã; Đà Bắc phấn đấu đưa xã Tu Lý đạt 19/19 tiêu chí, là xã đầu tiên của huyện về đích xây dựng NTM. |
Cũng như đa số các địa phương khác của tỉnh Hòa Bình, Đà Bắc có địa hình phức tạp với nhiều đồi núi cao, sông hồ chia cắt, đường đi lại rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhất là vào mùa mưa, mặt bằng dân trí còn thấp... Vượt qua những hạn chế đó, vùng đất này đã nỗ lực để vươn lên.
Ông Nguyễn Đức Dũng- Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Với tổng diện tích tự nhiên 77.976,81ha, trong đó có 68.445,67ha đất nông nghiệp, Đà Bắc được đánh giá có nhiều tiềm năng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nổi bật hơn cả là mô hình nuôi cá lồng, tận dụng lợi thế của địa phương với trên 6.000ha mặt nước ở các xã ven hồ thủy điện Hòa Bình, coi đó là “mỏ vàng” cho người dân khai thác”.
Chúng tôi đến xã Hiền Lương, lên thuyền ra lòng hồ sông Đà để thăm khu sản xuất của HTX Dịch vụ thủy sản Hiền Lương. Tuy mới thành lập nhưng đến nay, HTX đã phát triển được trên 50 lồng cá, với các loại cá trắm, chép, chiên, tầm... Đơn vị còn ký kết với các hộ dân chăn nuôi cá theo quy chuẩn VietGAP và cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Anh Xa Văn Huy- Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi đã liên kết với các tổ chức, tiếp cận với khoa học- kỹ thuật, quy trình sản xuất sạch trong chăn nuôi cá”.
Ngoài xã Hiền Lương, mô hình nuôi cá lồng đang phát triển mạnh tại các xã: Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng và rải rác tại một số địa phương khác. Đến nay, diện tích ao, hồ nuôi trồng thủy sản toàn huyện Đà Bắc đã phát triển lên gần 83ha; số lồng nuôi ở hồ sông Đà lên đến 1.906 lồng, sản lượng nuôi trồng năm 2017 đạt trên 1.000 tấn.
Nghề nuôi cá lồng ở Đà Bắc đang ngày càng hiệu quả, cho thấy những định hướng đúng đắn của lãnh đạo huyện. Theo ông Dũng, xác định đây là ngành kinh tế mới, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện đã tranh thủ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư nhằm tạo sự bền vững trong sản xuất.
Bên cạnh phát triển thủy sản, huyện Đà Bắc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như mô hình trồng rau an toàn ở xã Tu Lý, trồng dong riềng ở xã Cao Sơn, nuôi dê ở xã Mường Chiềng, trồng chè Shan ở xã Trung Thành, Yên Hòa…, hoặc một số mô hình mới, bước đầu đem lại tín hiệu tích cực như mô hình trồng chanh leo, thâm canh lúa, nuôi lợn bản địa...
Tạo sức bật từ nông thôn mới
Kế thừa những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, trên cơ sở thuận lợi và khó khăn của địa phương, lãnh đạo huyện Đà Bắc đã xác định phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn hiện nay. Bởi, chủ trương này không những góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp mà còn nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.
Để thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ý thức tự giác, tự nguyện trong xây dựng NTM được làm rất hiệu quả. Song song với đó, huyện tập trung rà soát quy hoạch sử dụng đất đai; thực hiện dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện phát triển sản xuất theo chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh; chú trọng phát triển các trang trại, gia trại... Mặt khác, huyện cũng chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Nhờ đó, trình độ canh tác của người dân dần được nâng cao, một số sản phẩm làm ra đã trở thành hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện, toàn huyện có 59 doanh nghiệp, 12 HTX và 230 hộ kinh doanh cá thể thành lập các xưởng chế biến gỗ, đũa, sấy ngô, chế biến chè, làm chổi chít… Công tác dạy nghề lao động nông thôn cũng được huyện quan tâm và chỉ đạo sát sao, đã khôi phục lại các nghề truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa.
Những kết quả trên đã góp phần giúp chương trình xây dựng NTM của Đà Bắc thu được những kết quả đáng mừng, bộ mặt nông thôn đang đổi thay từng ngày. Tính đến hết năm 2017, toàn huyện đã có 2 xã đạt 14 tiêu chí, 1 xã đạt 13 tiêu chí, 3 xã đạt 11 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 7 - 10 tiêu chí...; bình quân thu nhập đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm. Mục tiêu trong năm 2018, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân toàn huyện là 11 tiêu chí/xã; huyện phấn đấu đưa xã Tu Lý đạt 19/19 tiêu chí, là xã đầu tiên của huyện về đích xây dựng NTM.