Xe chiến đấu QN-506 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải. Ảnh: Popular Mechanics.
Tập đoàn Dẫn đường Hồng ngoại Vũ Hán lần đầu tiên trưng bày xe chiến đấu QN-506 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2018 diễn ra ngày 6/11-11/11 tại Quảng Đông, Trung Quốc. Được nhà sản xuất gọi là "Vua chiến trường mới", QN-506 lấy ý tưởng thiết kế từ xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT Terminator của Nga, nhưng được trang bị số vũ khí vượt trội, Popular Mechanics đưa tin ngày 8/11.
QN-506 sử dụng khung thân của xe tăng chiến đấu chủ lực Type-59, tháp pháo tùy biến của xe có thể lắp đặt trên khung thân các loại thiết giáp khác. Xe tăng Type-59 cũng là phiên bản tăng T-54A của Liên Xô được cấp phép sản xuất tại Trung Quốc.
Tháp pháo của QN-506 lắp một loạt hệ thống vũ khí khác nhau, gồm pháo 30 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm, 4 tên lửa chống tăng/phòng không QN-502C với tầm bắn 6 km, 20 tên lửa cỡ nhỏ QN-201, 4 tên lửa hành trình cỡ nhỏ S-507, 6 súng phóng lựu và một máy bay không người lái (UAV).
Số vũ khí "vũ trang tận răng" cho QN-506 lớn hơn rất nhiều so với phiên bản gốc "Kẻ hủy diệt" của Nga, vốn chỉ trang bị pháo tự động 2A42 30 mm, hai ống phóng lựu 30 mm và 4 tên lửa chống tăng Kornet.
Trong số này, đáng chú ý nhất là tên lửa chống tăng QN-502C được cho là có khả năng xuyên 1.000 mm thép cán đồng nhất và có khả năng tấn công "đột nóc", nhằm vào phần tháp pháo có giáp mỏng nhất của xe tăng địch. Với khả năng này, QN-502C được quảng cáo là có thể diệt được xe tăng Abrams của Mỹ.
Với số vũ khí trên, QN-506 được cho là đủ sức thực hiện các nhiệm vụ như tiêu diệt tăng thiết giáp, trực thăng, máy bay không người lái, phương tiện cơ giới và sinh lực đối phương.
Tháp pháo của xe chiến đấu QN-506. Ảnh: Popular Mechanics.
UAV 4 cánh quạt của QN-506 có tầm hoạt động 10 km, tốc độ 60 km/h với thời gian bay 40 phút, cung cấp thông tin mục tiêu cho xạ thủ tên lửa S-570 hoặc cho lực lượng pháo binh yểm trợ. UAV của QN-506 còn được sử dụng để phát hiện vị trí nổ súng của xạ thủ bắn tỉa đối phương.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng các nhà thiết kế Trung Quốc đã sai lầm khi "nhồi nhét" quá nhiều vũ khí như vậy trên QN-506, có thể khiến xe chiến đấu này trở nên vô dụng trên chiến trường.
Thông thường khí tài diệt máy bay không người lái thường sẽ phải được triển khai trước đội hình để phá hủy UAV địch càng sớm càng tốt, trong khi xe diệt tăng phải lùi lại phía sau để vô hiệu hóa xe tăng địch và đảm bảo an toàn cho bản thân. Trong khi đó, xe phóng tên lửa hành trình sẽ lùi sâu hơn nữa phía sau đội hình và khi đó thiết bị phát hiện lính bắn tỉa địch sẽ trở nên vô dụng.
Mizokami cho rằng những mâu thuẫn trong thiết kế này có thể khiến QN-506 trở nên thiếu hấp dẫn trong mắt khách hàng, dù lượng vũ khí mà nó mang theo là rất ấn tượng.