Ngành bán lẻ thay đổi chóng mặt
Được đánh giá là thị trường hấp dẫn của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế, ngành bán lẻ ở Việt Nam đang có nhiều thay đổi lớn khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn để không bị tụt lại phía sau.
Ông Jason Moy, Giám đốc điều hành của công ty Boston Consulting Group (BCG, Singapore), cho rằng bán lẻ thế giới và bán lẻ Việt Nam đều đang thay đổi rất nhanh. Các nhà bán lẻ cần tập trung vào tiếp thị số và các ứng dụng bán hàng online. Đây là xu hướng chung, giúp việc tiếp thị hàng hóa đến khách hàng nhanh chóng hơn, tạo ra những trải nghiệm dễ dàng và thuận tiện hơn.
Thế nhưng, việc áp dụng công nghệ số trong bán hàng cũng cần có những phương án phù hợp, khách hàng có thể chuyển hẳn qua kênh online và bỏ kênh mua sắm truyền thống (offline) dù kênh này mang lại những trải nghiệm thực tế thú vị.
Bán lẻ truyền thống dù vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đang ở mức 1% so với mức 11,8% của kênh bán lẻ hiện đại.
Ông Jason Moy cho rằng, hiện nay các nhà bán lẻ quốc tế cũng có xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI, robot trong chuỗi cung ứng, nhưng thực tế chi phí cho khoản này rất cao. Điển hình là Amazon đã dành 16 tỉ USD và Alibaba dành hơn 5 tỉ USD cho AI.
Còn theo bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Nielsen, một khảo sát mới đây cho thấy, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam là chi tiêu ngày càng nhiều hơn cho các nhóm hàng ngoài FMCG, tức các mặt hàng gồm đồ điện tử tiêu dùng, dược phẩm, du lịch, bất động sản… Đây là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng có xu hướng nâng tầm, cải thiện chất lượng cuộc sống nhiều hơn. Điều này đã giúp thị trường FMCG hồi phục từ đầu năm nay.
“Những xu hướng định hình tương lai ngành bán lẻ sẽ có những đặc điểm chính như nhu cầu về sự tiện lợi, nhu cầu cao cấp hóa nâng tầm đời sống… Đây là đối tượng mục tiêu khách hàng lớn của nhà sản xuất và bán lẻ trong tương lai. Trong đó, người tiêu dùng tương lai của các nhà bán lẻ sắp tới sẽ là thế hệ gen Z, tức những người sinh năm 1996 trở về sau”, bà Trang thông tin.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Theo các chuyên gia, đặc điểm đáng lưu ý trong ngành hàng bán lẻ ở Việt Nam là việc phát triển mạnh về kết nối interner. Trung bình hàng tuần người Việt Nam dùng đến hơn 24 giờ để kết nối internet. Người tiêu dùng không còn là hành trình mua sắm đơn tuyến mà là mua sắm đa kênh, kèm theo đó là việc thanh toán không tiền mặt là xu hướng tất yếu.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang nhích dần theo hướng phát triển bán hàng online. Ảnh minh họa.
Được đánh giá là thị trường tiềm năng và năng động bật nhất hiện nay, rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam, thông tin nhà đầu tư khối ngoại tập trung nhiều hơn ở phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Các doanh nghiệp này vẫn đang tích cực tập trung phát triển hệ thống và phục vụ khách hàng, chủ yếu ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao so với khối ngoại.
Tính 5 năm gần đây, các nhà bán lẻ nội vẫn duy trì tốc độ phát triển đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh. Riêng ở mô hình siêu thị và siêu thị mini, bán lẻ nội vẫn chiếm ưu thế nhưng đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi thì vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh lớn.
Đại diện KPMG, ông Bod Hayward nhận định rằng, nhiều nhà bán lẻ lớn đã đến Việt Nam, trong vài năm gần đây vẫn còn nhiều cơ hội cho mọi người khi nhìn vào mật độ cửa hàng/dân số còn thấp nên còn cơ hội phát triển. Một số doanh ngiệp lớn từ Thái Lan, Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam. Alibaba, WeChat, Tencent… cũng đang tiếp cận thị trường Việt Nam.
Các chuyên gia cũng cho rằng, xu hướng chung của thị trường bán lẻ Việt nam là nhiều dịch vụ khách hàng sẽ được “ảo hóa” bằng công nghệ IT. Qua đó, cho phép nhà kinh doanh biết khách hàng mình là ai, muốn gì trước khi phục vụ họ. Bằng cách phân tích dữ liệu lớn (big data) để người kinh doanh biết trước nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn.
Việt Nam đang trong giai đoạn tốt của ngành bán lẻ, sẽ phát triển hơn nữa và thịnh vượng. Vấn đề là nhà bán lẻ làm sao cạnh tranh và đi nhanh hơn đối thủ. Doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ, làm chủ kênh mua sắm mạng.
Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam vẫn là thị trường nổi bật, phần lớn là bán lẻ truyền thống, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại rất mạnh mẽ, với 26% thị phần, tốc độ tăng trưởng 11,8% trong khi bán lẻ truyền thống chiếm 76% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%. |