Dân Việt

Tại sao hổ mang chúa cái trốn "chồng" bỏ con ngay khi "xong việc"?

Đông Hoàng 09/11/2018 12:44 GMT+7
Rắn hổ mang chúa cái ngay sau vài giờ "quằn quại" giao phối với rắn hổ mang chúa đực, khi "xong việc" là nó phải "bỏ trốn" thật nhanh nếu không muốn bị "người tình" quay ra ăn thịt. Sau khoảng thời gian nằm ấp và canh chừng ổ trứng kéo dài từ 2-3 tháng, ngay sau khi rắn hổ mang con nở ra, rắn hổ mang mẹ sẽ lập tức bỏ đi thật nhanh bởi bản năng không muốn ăn thịt chính những đứa con của mình đẻ ra...

Giao phối và sinh đẻ của rắn hổ mang chúa cái là 2 trong số hàng loạt câu chuyện ly kỳ, độc đáo và ấn tượng về loài rắn độc này. 

Chuyện yêu đương và nỗi sợ bị "bạn tình ăn thịt"

Rắn hổ mang chúa giao phối vào khoảng tháng 1-3 hàng năm. Ở Việt Nam ở vào thời kỳ mấy chục năm trước khi loài rắn hổ mang chúa còn xuất hiện nhiều thì tầm tháng 1-3  hàng năm trong tiết trời xuân việc thấy các loài rắn nói chung, hổ mang chúa nói riêng giao phối "yêu đương" là không hiểm.

img

Một con rắn hổ mang chúa khá dài tại khu bảo tồn thuộc Ghats tây, Ấn Độ. Ảnh: Adnan Rafiq (Wikipedia)

Rắn hổ mang chúa đực tìm thấy rắn hổ mang chúa cái trong mùa sinh sản thông qua mùi cơ thể mà con rắn cái để lại trên đường đi. Nếu nhiều con rắn đực cùng xuất hiện chúng sẽ vật lộn hay cố xô đẩy đối thủ để tranh bạn tình. Khi gặp được rắn cái, việc đầu tiên của rắn đực là tán tỉnh và dò xét phản ứng của đối phương. 

img

Một con rắn hổ mang chúa hoang dã do người dân bắt được bị khâu miệng và được Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) cứu hộ về chạy chữa. Trong ảnh, cán bộ, nhân viên của Trại rắn Đồng Tâm đang phải đút 1 con rắn khác vào miệng con rắn hổ mang chúa được cứu hộ. Ảnh: THĐT.

Hầu hết rắn cái đều có thói quen đề phòng những con rắn đực lớn. Rắn đực thường ngửi vào thân rắn cái để dò xét, biểu lộ ý muốn, nhằm đảm bảo an toàn. Rắn đực thường xoa đầu mình vào thân rắn cái. Nếu rắn cái có biểu hiện dè đặt giao phối thì rắn đực sẽ húc hoặc đẩy nhẹ vào thân rắn cái. Sau khi rắn cái ưng thuận thì cả hai sẽ bước vào quá trình giao phối. Hai con rắn quấn cơ thể vào nhau theo hình xoắn dây. Rắn cái ngẩng cao cái đầu trong khi rắn đực tiến hành giao phối. Hoạt động này thường kéo dài khoảng vài giờ.

img

Rắn hổ mang chúa tìm thấy ở rừng Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Ảnh: quantrimang.

Ngay sau khi "xong nhiệm vụ", rắn hổ mang chúa cái phải tìm cách "bỏ trốn" thật nhanh nếu không muốn bị chính bạn tình của mình ăn thịt. Đây là một bản năng tự nhiên "rùng rợn" của loài rắn cực độc này.

"Cắt đứt" quan hệ mẫu tử bởi vì sợ "ăn thịt con"

Sau khi giao phối được 1 tháng, rắn hổ mang cái chuẩn bị một chiếc tổ và đẻ trứng vào khoảng tháng 4-5. Chiếc tổ gồm 2 hốc, hốc thấp bên dưới dùng để chứa trứng. Cành lá mục và mảnh vụn được sử dụng để đắp tổ gò đất. Ở miền Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam thường thấy rắn hổ mang chúa làm tổ rất to trên những bụi tre gai trong rừng.

Rắn cái thường đẻ khoảng 20 đến 50 trứng vào gò tổ, hoạt động như một chiếc lò ấp trứng. Hốc cao bên trên là nơi rắn cái cư trú, bảo vệ trứng. Đây là dạng tổ trứng phức tạp duy nhất ở loài rắn, một dấu hiệu cho biết rắn hổ mang chúa là một trong những loài rắn thông minh nhất.

img

Rắn hổ mang chúa con mới nở từ trứng. Loài rắn hổ mang chúa ngay sau khi mở mắt đã "mất mẹ" do bản năng tự nhiên.

Rắn cái lưu lại trong tổ cho đến lúc trứng nở, kiên trì bảo vệ gò đất, canh gác đề phòng bất kỳ con vật lớn nào đe dọa tiến đến gần, trong khoảng 60 đến 90 ngày. Bên trong gò, những quả trứng được ấp ở nhiệt độ ổn định khoảng 28 °C, được ủ bằng sức nóng của thảm lá mục. Ngay trước khi trứng nở, bản năng thúc đẩy rắn cái rời khỏi tổ săn mồi, chấm dứt mọi quan hệ với rắn con. Sở dĩ rắn hổ mang chúa cái có hành động này là bởi do bản năng tự nhiên nó "sợ" ăn thịt chính những đứa con của mình đẻ ra.