Anh Hoàng Chương cho biết, anh không chủ ý câu cá thác lác cườm mà anh vốn là cần thủ câu cá lóc. Anh hay đi các hồ nước rộng xung quanh TP Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk để câu các loại cá lóc.
Trưa ngày 8/11 anh thả câu rê cá lóc trên hồ nước Chi Lăng thì cá cắn câu. Ban đầu anh cứ tưởng là mình hôm nay hên câu được con cá lóc bự. Nhưng sau một hồi, con cá trồi lên mặt nước thì mới biết đó không phải là cá lóc mà một loài cá khác.
Anh Hoàng Chương bên con cá thác thác cườm "khủng" nặng 5kg. Ảnh: NVCC.
Con cá thác lác cườm anh Hoàng Chương câu được khi đưa lên bờ đặt lên cân thì có trọng lượng tới 5kg. Anh cho biết, để đưa được con cá vào bờ, anh phải dòng, rê mất 30 phút. Đây là lần đầu tiên anh Hoàng Chương câu được cá thác lác cườm ở hồ nước Chi Lăng.
Cá thác lác cườm có tên khoa học là Notopterus chitala. Trên thế giới, cá phân bố nhiều ở các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện… Ở nước ta, cá thác lác sống từ khu vực miền Trung trở vào. Đồng bằng sông Cửu Long rất thích nghi với cá thác lác cườm, đặc biệt là những nơi có nhiều lung bào, trũng. Cá thác lác cườm có chất lượng thịt ngon, có thể chế biến ra nhiều món ăn cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong tự nhiên cá bị khai thác quá mức nên càng có nguy cơ cạn kiệt. Hiện nay các cơ sở sản xuất cá giống đã cho sinh sản nhân tạo được, nên người nuôi có thể chủ động mua giống tại các trại cá giống. |