"Tội đồ" VNM và GAS khiến VnIndex giảm sâu
Sau hai phiên giao dịch với những dấu hiệu tích cực trên TTCK Việt Nam, giúp chỉ số VnIndex tăng trưởng. Bước vào phiên giao dịch ngày 9.11, VnIndex lại giảm 5 điểm về ngưỡng 920 điểm do chịu ảnh hưởng từ các TTCK trong khu vực châu Á và phần nào đó là quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 2 - 2,25% của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
Nửa cuối phiên giao dịch chiều 9.11, áp lực bán tăng dần khiến VnIndex tiếp tục thủng mốc 915 điểm, thị trường chìm trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9.11, chỉ số VnIndex giảm 11,99 điểm (1,29%) xuống 914,29 điểm. Còn HNX-Index giảm 1,53 điểm (1,46%) về 103,01 điểm. Khối lượng khớp lệnh trên toàn thị trường chỉ đạt 165 triệu đơn vị, ứng với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9.11, chỉ số VnIndex giảm 11,99 điểm (1,29%) xuống 914,29 điểm. (Ảnh: TVSI)
Trong nhóm VN30, chỉ có 3 cổ phiếu ghi nhận sự tăng trưởng về giá trị giao dịch là CII, SBT và NVL. Còn 2 cổ phiếu đứng giá tham chiếu là SAB và KDC, 25 cổ phiếu giảm giá trị giao dịch.
Trong đó, VNM và GAS được coi là “tội đồ” khiến VnIdex giảm sâu trong. Giá trị giao dịch của gổ phiếu GAS giảm 5,1% xuống mức 95.000 đồng chỉ trong ít phút cuối phiên. Cổ phiếu VNM cũng giao dịch với mức giá thấp hơn 2% so với giá tham chiếu kể từ 14h, và giảm 2,5% xuống 117.000 đồng ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 9.11.
Bên cạnh hai cổ phiếu VNM và GAS, việc các cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ cũng góp phần kéo VnIndex giảm điểm. Cụ thể, VCB giảm 2,5% xuống mức thấp nhất ngày 54.300 đồng, CTG giảm 2,6% xuống 22.600 đồng, BID giảm 2,3% xuống 31.700 đồng, VPB giảm 1,7% xuống 20.350 đồng...
Ngoài ra, giá dầu giảm phiên thứ 9 liên tiếp cũng tạo tác động tiêu cực tới dòng cổ phiếu dầu khí. Ngoài GAS, giá trị giao dịch của các cổ phiếu PVD, PVS, PLX… đều giảm sâu, từ 1,9% tới 3,3%.
Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản trên sàn chứng khoán của các tỷ phú USD Việt Nam lại sụt giảm. Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm khoảng 72,4 tỷ đồng sau khi giá trị giao dịch của cổ phiếu VIC giảm 0,1% xuống còn 95.900 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm tới 418,81 tỷ đồng sau khi giá trị giao dịch của cổ phiếu VJC giảm 1,8%, HDB giảm 1,2%. Tài sản tỷ phú Trần Đình Long cũng giảm 496,02 tỷ đồng (3,34%) sau phiên giao dịch hôm nay.
Bamboo Airways được cấp phép bay, tài sản ông Trịnh Văn Quyết vẫn "bốc hơi"
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ghi nhận phiên tăng trưởng thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu FLC với mức tăng thêm 1,9%, lên 5.790 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu FLC tăng có lẽ là đến từ tin Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, đơn vị sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways, thành viên của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết.
Bamboo Airways đã được Thủ tướng đồng ý cấp phép bay. (Ảnh minh họa)
Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Tre Việt trên cơ sở thẩm định các điều kiện theo quy định pháp luật. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả hoạt động vận chuyển của ngành hàng không, bảo đảm an ninh và an toàn hàng không, quốc phòng và an ninh quốc gia trong mọi tình huống.
Sau khi đi vào hoạt động, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết dự kiến sẽ khai thác 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, Tp.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Vân Đồn… với mục tiêu giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Rài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục giảm thêm 158,7 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Song trái ngược với sự tăng trưởng của cổ phiếu FLC và thông tin tốt về Bamboo Airways, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục giảm thêm 158,7 tỷ đồng, sau khi đã giảm hơn 220 tỷ đồng trong 3 phiên giao dịch trước đó. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc giá trị giao dịch của cổ phiếu ROS giảm 4,75% chỉ sau 4 phiên giao dịch.
Theo thống kê, ông Trịnh Văn Quyết hiện đang nắm giữ 318.514.630 cổ phiếu ROS, tương ứng 67,3% cổ phần tại Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros. Trong khi đó, ông Quyết chỉ nắm 289.300.499 cổ phần FLC, tương đương 42,3% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn FLC.