Những ngày này, vườn vú sữa 8.000 m2 của anh Lê Ngọc Bình (TP Mỹ Tho) đang sai trái, chín rộ chờ thu hoạch. Suốt 13 năm trồng vú sữa, anh Bình nhiều lần gặp cảnh giá cả rất bấp bênh, nhưng vụ này vườn cây của anh vừa trúng mùa, năng suất khoảng 30 tấn mỗi ha, giá thu mua lại tốt.
Đây là vụ đầu tiên vú sữa tại vườn anh Bình được thu mua xuất đi Mỹ. Ảnh: Hoàng Nam
Anh Bình cho biết, những năm trước chỉ bán cho thương lái trong vùng, năm nay, anh trồng vú sữa nghịch mùa thu hoạch sớm hơn chính vụ khoảng ba tháng.
"Hiện tôi đã thu hoạch được khoảng 5 tấn vú sữa loại Nâu và Lò Rèn, trong đó có khoảng một tấn ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp địa phương để xuất sang Mỹ", anh Bình nói và cho biết, hợp đồng ký theo từng mùa, trong đó, doanh nghiệp thu mua sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thuốc, túi bao trái. Với giá thu mua xuất khẩu khoảng 70.000 đồng mỗi kg, vụ này anh ước tính thu về hơn một tỷ đồng.
So với vú sữa cung ứng cho thị trường nội địa, vú sữa xuất ngoại đòi hỏi tiêu chuẩn gắt gao hơn. Chẳng hạn, nông dân phải sử dụng các loại thuốc sinh học theo chỉ định. Trái cũng được "cưng như trứng mỏng", hai tháng trước khi thu hoạch phải thuê nhân công dùng thang bao từng quả một để chống ruồi vàng đục quả. Khi thu hoạch cũng phải cẩn thận, nhẹ tay để trái không bị cấn, dập vỏ.
Bù lại, một số nhà vườn hiện nay được bao tiêu sản phẩm ổn định và giá luôn cao hơn so với thương lái thu mua bán trong nước khoảng 30%.
"Mối lo lớn nhất hiện nay là còn tình trạng vú sữa chất lượng thấp một số nơi khác gắn mác Lò Rèn - sản phẩm đặc trưng của địa phương, gây ảnh hưởng đến tương lai người nông dân", anh Bình chia sẻ.
Trái vú sữa được bao bằng túi nylon chống ruồi vàng. Ảnh: Hoàng Nam.
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Đại Lâm Mộc (Tiền Giang) cho biết, đây là năm thứ hai đơn vị thu mua vú sữa của nông dân xuất ngoại. Công ty đang bao tiêu cho gần 30 ha vú sữa của 40 hộ nông dân trên địa bàn. Đến nay, đơn vị đã xuất thành công lô vú sữa thứ hai sang Mỹ và được phía đối tác phản hồi tốt.
"Do hiện nhà vườn có diện tích cây vú sữa nhỏ, manh mún, xen lẫn với các loại cây ăn quả khác, nên việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn", ông Hiếu nói.
Cũng theo đơn vị này, nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách bán hoặc cho thuê một số diện tích đất lớn để quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững.
Theo ông Võ Văn Men, Chi cục phó Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Tiền Giang, tỉnh hiện có khoảng 500 ha vú sữa giống Nâu và Lò Rèn tại các huyện Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Từ tháng 9 năm ngoái, lô vú sữa đầu tiên ở Tiền Giang chính thức được nhập vào thị trường Mỹ với số lượng trên 170 tấn. Theo ước tính, năm nay tỉnh cũng sẽ xuất đi khoảng trên 200 tấn.
Hiện tại, Tiền Giang đã quy hoạch trên 100 ha vùng trồng nguyên liệu được cấp mã code, đồng thời hỗ trợ gần một triệu túi bao trái cho nông dân.
Trái vú sữa được hái cẩn thận, tránh dập vỏ. Ảnh: Hoàng Nam.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nông dân, việc sử dụng túi bao trái cũ gặp nhiều bất lợi do không thể thấy và phát hiện khi nào trái chín, nhiều trường hợp trái bị thối. Hiện tại, nhiều nông dân đã chuyển sang dùng loại túi bao trái mới bằng nhựa trong suốt tiện lợi hơn.
"Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để người trồng vú sữa sạch có lợi nhuận cao hơn đáng kể so với kiểu làm truyền thống mới mong thu hút người dân", ông Men nói.
Nửa tháng trước, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa trên địa bàn.
"Năm ngoái, một số doanh nghiệp đã trộn hàng không đạt chuẩn ở lô vú sữa đầu tiên xuất đi Mỹ", ông Hưởng nói và cho biết, năm nay, nếu doanh nghiệp nào gian dối trộn hàng mua từ tỉnh khác hoặc hàng hóa không sản xuất theo quy trình đã cam kết sẽ bị xử lý nghiêm.