Liên kết lỏng lẻo, nông dân bấp bênh
Vấn nạn ồ ạt phá mía trồng mì (sắn) ở nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa hạ nhiệt. Nói về điều này, ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã laSol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết: “Hàng ngàn hecta mía đang dần bị phá để trồng mì, trước tình hình đó, dự báo công cuộc giải cứu mì có thể xảy ra vì lý do quen thuộc là cung vượt cầu. Thế nhưng, vụ việc cứ lặp đi lặp lại nên các cơ quan chức năng, doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng cũng không còn nhiệt tình để giải cứu và nông dân chính là người ôm hận”.
Đa số nông dân hiện nay vẫn còn thói quen sản xuất manh mún, chưa bắt kịp thông tin thị trường, chạy đua theo thời vụ và không có kế hoạch trồng trọt dài hạn. Do đó, trước tình hình giá đường thế giới giảm, đường lậu ồ ạt, lượng đường tồn kho chồng chất, nông dân không ký hợp đồng nhận đầu tư và bán cho nhà máy đường nên bị từ chối, hay giảm giá thu mua nguyên liệu, buộc nông dân chấp nhận phá bỏ mía để chuyển đổi sang trồng mì.
Một số hộ nông dân không muốn bị ràng buộc sau khi ký kết hợp đồng với nhà máy.
Theo ông Huỳnh Vĩnh Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện IaPa, tỉnh Gia Lai: “Một số hộ nông dân không muốn bị ràng buộc sau khi ký kết hợp đồng với nhà máy, bởi thời gian mua mía của nhà máy đường thường kéo dài, việc thu hoạch phải theo lịch của nhà máy, trong khi đó cây mía trên địa bàn gặp nhiều rủi ro như dễ cháy vào mùa khô, sâu bệnh, giá cả biến động. Thực tế những năm qua, có thời điểm giá đường tăng cao, các công ty ngoài vùng nguyên liệu tranh mua mía với giá cao hơn nhà máy, khiến nông dân kỳ vọng”.
Qua đó cho thấy, sợi dây liên kết giữa “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” hiện tại còn lỏng lẻo, chưa có “nút thắt”, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và nông dân, dẫn đến ngành nông sản rơi vào tình trạng khó khăn: ùn tắc đầu ra, mất giá, vỡ quy hoạch cây trồng, thu nhập nông dân bấp bênh…
Đẩy mạnh hiệu quả liên kết “4 nhà”
Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, liên kết “4 nhà” vẫn là khẩu hiệu chung chung, quá trình triển khai còn tồn tại nhiều hạn chế. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ để mô hình liên kết mang lại hiệu quả, hướng đến phát triển toàn diện và bền vững.
Nhà máy nên tăng cường đầu tư vào khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía.
“Trong liên kết “4 nhà”, từng chủ thể cần làm tròn trách nhiệm của mình. Đối với nông dân trồng mía: phải nâng cao nhận thức trong việc liên kết, không chạy theo lợi ích trước mắt, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn giống, thâm canh, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến chăm sóc và thu hoạch; Đối với nhà máy đường: xây dựng chính sách đầu tư, thu mua hấp dẫn, dựa trên nền tảng chia sẻ lợi ích, áp dụng triệt để các giải pháp để minh bạch hóa chính sách, tăng cường đầu tư vào khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía, đa dạng hóa các sản phẩm của cây mía, tích cực tìm các giải pháp để hạ chi phí sản xuất; Đối với chính quyền địa phương: tăng cường công tác tuyên truyền để người dân yên tâm trồng mía nhằm duy trì và phát triển vùng nguyên liệu”- ông Huỳnh Vĩnh Hương -Phó Chủ tịch UBND huyện IaPa, tỉnh Gia Lai đưa ra ý kiến.
Bên cạnh đó, việc tích cực xây dựng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như hợp tác xã (HTX), nhóm hợp tác; nâng cao chất lượng mối liên kết giữa nông dân - HTX-Nhà máy; phối hợp thực hiện tốt các chính sách đầu tư, khuyến khích của chính phủ cũng là một trong hướng đi để phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Nói về việc hình thành HTX chuyên canh mía, bà Lê Thị Quỳnh Trang - Chủ tịch HĐQT HTX Tân Tiến, huyện Iapa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân có thể giảm chi phí đầu vào, được sử dụng các sản phẩm phục vụ nông nghiệp chất lượng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. HTX có thể đại diện giúp thành viên vay vốn để mở rộng sản xuất, cùng thành viên giám sát theo quy trình canh tác đã được thống nhất, đồng thời cũng là đơn vị tiếp cận các thông tin về thị trường, tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp”.
Nhà khoa học cần có chính sách khuyến khích gắn kết với người sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đủ chất lượng cho thị trường.
Mặt khác, vai trò của nhà nước và nhà khoa học trong mô hình liên kết “4 nhà” cũng cần phát huy để tăng tính hiệu quả. Cụ thể, nhà khoa học cần có chính sách khuyến khích gắn kết với người sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đủ chất lượng cho thị trường. Riêng nhà nước, có vai trò chủ đạo là đưa ra chính sách phù hợp cho các thành phần trong mô hình liên kết cùng thực hiện, điển hình là những chính sách tháo gỡ về nguồn vốn.
“Việc tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách của nhà nước thời gian qua còn nhiều hạn chế. Do kiến thức quản lý kinh tế của nhiều người dân (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) chưa bắt kịp với thời đại; thủ tục vay vốn từ các chính sách của nhà nước còn phức tạp so với vay tư nhân; chậm phát triển các HTX đủ năng lực để tiếp cận vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách” - ông Huỳnh Vĩnh Hương cho biết thêm.
Suy cho cùng, câu chuyện thời sự muôn thuở “được giá mất mùa, được mùa mất giá” khiến người nông dân điêu đứng quy về căn nguyên vẫn là do thiếu sự liên kết chặt chẽ, thậm chí là “đứt mạch”trong mô hình “4 nhà”, lợi ích và trách nhiệm giữa các bên không gắn kết. Vì vậy, chỉ khi nào “nút thắt” đó được bền chặt, có sự tương tác, hỗ trợ nhau thực sự hiệu quả từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, lúc đó ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đời sống nông dân hết bấp bênh.