Nói là “bí ẩn” bởi dù được biết đến từ lâu với tư cách là ông chủ của một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, 2 năm liên tiếp là người giàu nhất trên sàn chứng khoán nhưng Phạm Nhật Vượng, cùng với tất cả những gì liên quan đến ông, vẫn là một câu chuyện xa lạ với công chúng.
Hình ảnh hiếm hoi về người giàu nhất sàn chứng khoán - Phạm Nhật Vượng. Ảnh: DVT |
Chính vì lý do này mà vào đầu tháng 10.2011, mạng internet xuất hiện một clip “tỏ tình” được cho là của Phạm Nhật Hoàng - con trai doanh nhân họ Phạm thì dư luận lập tức xôn xao. Mặc dù cơ quan an ninh sau đó đã xác minh và khẳng định giả mạo nhưng nó phần nào cho thấy sức hút từ sự thành đạt và giàu có của doanh nhân sinh năm 1968.
Là một đại diện cho những người Việt làm giàu trong những năm tháng học tập, làm việc tại Đông Âu, những năm 90 của thế kỷ trước, tên tuổi Phạm Nhật Vượng gắn liền với Technocom, tập đoàn sản xuất đồ ăn nhanh hàng đầu tại Ukraine. Đầu những năm 2000, ông đầu tư về Việt Nam, lập một số công ty kinh doanh bất động sản, khách sạn và du lịch, trong đó có Vincom và Vinpearl (HOSE: VIC, VPL). Technocom cũng được đổi tên thành VINGROUP và đóng trụ sở tại Việt Nam.
Trong khi Vinpearl nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu khách sạn - du lịch được đánh giá cao thì hoạt động kinh doanh bất động sản của Vincom cũng khá thuận lợi trong 10 năm đầu với nhiều dự án quy mô lớn tại Hà Nội và TP HCM. Lợi nhuận của doanh nghiệp phần nào được phản ánh trong mức cổ tức khủng (gần 59%) được chia bằng tiền mặt cho cổ đông trong niên độ 2010. Là cổ đông lớn nhất, bản thân ông Vượng cũng nhận được hơn 900 tỷ, trên tổng số 2.300 tỷ đồng mà Vincom dành để chi trả trong đợt này.
Trong năm 2011, VINGROUP tiếp tục “chào hàng” nhiều dự án đình đám như Vincom Village, Times City, Royal City… Tuy nhiên, cùng với sự trầm lắng của bất động sản, doanh nghiệp của ông Vượng dính hàng loạt tin đồn. Nếu như hai dự án Vincom Village và Royal City vượt sóng êm đẹp, thực hiện đúng tiến độ thì Times City gặp nhiều tin đồn như bị nhà thầu rút vốn, ồ ạt chiết khấu trên thị trường.
Diễn biến giá cổ phiếu VIC trong năm 2011. Nguồn: VnDirect |
Vào cuối tháng 4, Công ty cổ phần Vincom cũng tuyên bố rút khỏi dự án Sun City Hà Nội khiến dư luận xôn xao. Đầu tháng 12, VINGROUP lại gây sốc thị trường khi tuyên bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ tháp B khối văn phòng của tòa nhà Vincom Center Hà Nội (phố Bà Triệu) cho Techcombank.
Việc bán một tòa tháp ở vị trí đắc địa giữa thủ đô của Vingroup kèm với những thông tin trước đó làm dấy lên tin đồn đại gia địa ốc phải "bán nhà để gán nợ" cho ngân hàng. Trước sự ì xèo của dư luận, VINGROUP lên tiếng bác tin đồn "bán nhà để gán nợ" và khẳng định, việc chuyển nhượng sẽ giúp tập đoàn có thêm một lượng vốn để phát triển các dự án quan trọng.
Cuối năm 2011, ông Phạm Nhật Vượng cùng với các lãnh đạo VINGROUP quyết định sáp nhập Vinpearl vào Vincom. Lý do được đưa ra là để 2 lĩnh vực kinh doanh này hỗ trợ, bổ sung mật thiết hơn nữa cho nhau. Việc chuyển đổi chứng khoán cũng được thực hiện trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2011 với tỷ lệ một cổ phiếu VPL đổi 0,77 cổ phiếu VIC.
Chốt phiên giao dịch của cùng của năm, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 168,5 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 16.764 tỷ đồng, tăng 988 tỷ đồng so với năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất của một cá nhân trên sàn chứng khoán trong năm qua, giúp ông Vượng bỏ xa người đứng thứ 2 trong danh sách 100 người giàu nhất thị trường do VnExpress.net công bố là Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức với tài sản 4.348 tỷ đồng.
Trong năm 2011, giá cổ phiếu VIC tăng cao trong giai đoạn giữa năm và có lúc đã đạt đỉnh 137.000 đồng. Tại thời điểm này, ông Vượng đã trở thành tỷ phú đôla đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, do sụt giảm chung của thị trường, cổ phiếu này chỉ chốt phiên cuối năm ở giá 99.500 đồng. Tính theo tỷ giá đôla Mỹ, tài sản chứng khoán của ông Vượng, tính đến hết năm 2011 chỉ đạt khoảng trên 800 triệu USD.