Ngành thuế mới thanh kiểm tra được 20%
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã đặt việc nâng cao chất lượng thể chế, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là trọng tâm ưu tiên. Do đó, Luật quản lý thuế (sửa đổi) lần này cũng cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và phân cấp triệt để cho các cấp đơn vị đạt mục tiêu đã đề ra.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai). Ảnh minh hoạ: quochoi
Thứ nhất, để cải cách thủ tục hành chính một cách hiệu quả, bà Hằng đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá các nguồn lực để thực hiện thuế. Qua đó, đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội (yếu tố bên ngoài) để có sự rà soát, xem xét tính phù hợp với thực tế khi đưa ra chính sách, quy định mới, đó chính là nguồn lực của ngành thuế, bao gồm số lượng và năng lực của đội ngũ công chức, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như tốc độ hiện đại hóa của ngành thuế. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định việc thực thi Luật có đạt được cả lượng và chất cũng như các mục tiêu đề ra hay không.
Về vấn đề nhân lực, hiện nay biên chế trong ngành thuế đang có xu hướng giảm mạnh. Đến 31/10/2018, ngành thuế có 41.741 cán bộ công chức, trực tiếp làm công tác quản lý thuế có 30.726 người, ngoài ra làm công tác chuyên môn... Trong tương lai, số lượng cán bộ công chức sẽ tiếp tục giảm.
Trong khi đó, cả nước đang có khoảng 70.000 doanh nghiệp, hơn 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, chưa kể đến số lượng mã số thuế cá nhân của dân. Dự kiến số lượng doanh nghiệp sẽ gia tăng trong thời gian tới, với mục tiêu trước mắt đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp.
"Do vậy, khối lượng công việc đối với ngành thuế cũng gia tăng, ước tính mỗi năm ngành thuế có sự tăng trưởng về dữ liệu lên tới 30% so với toàn bộ dữ liệu trước đó cộng lại. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đánh giá nguồn lực để thực hiện phù hợp với các nội dung trong dự thảo, không gây áp lực cho người nộp thuế cũng như cán bộ công chức thuế. Thực tế hiện nay cơ quan quản lý thuế hàng năm mới chỉ kiểm tra, thanh tra được khoảng 20% đối với số lượng doanh nghiệp, người nộp thuế hiện hữu" - bà Hằng nêu thông tin.
Với yêu cầu hội nhập ngày càng cao, bà Hằng chỉ ra cách thức quản lý ngành thuế cũng phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cần xem xét tốc độ hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành thuế có đáp ứng được khối lượng công việc như trong luật định hay không?
"Theo phân tích trên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo trên cơ sở đánh giá các nguồn lực của ngành thuế, cần đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội để có những điều chỉnh kịp thời. Việc thiết kế các điều khoản cần đơn giản, các quy định cần cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, tránh phát sinh thêm các điều kiện, thủ tục hành chính rườm rà, đồng thời cần rà soát, cắt giảm bớt các thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế" - bà Hằng nhấn mạnh.
Không cho phép xoá nợ với tiền sử dụng đất
Cũng thảo luận về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ sự nhất trí về các trường hợp được xóa nợ tiền thuế như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với số nợ tiền đất, bao gồm cả tiền sử dụng đất trên 10 năm đề nghị không nên cho phép xóa nợ.
Theo đại biểu Nguyễn Vân Chi (đoàn ĐBQH Nghệ An), việc xác định các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi chưa được định lượng rõ ràng, thời gian 10 năm có thể dẫn đến việc lợi dụng, trốn thuế trong khi người nộp thuế vẫn còn tài sản.
“Liên quan đến đất, trong bất cứ trường hợp nào, tài sản là đất vẫn còn đấy. Những khoản tiền sử dụng đất sẽ là những khoản rất lớn. Thực tế nhiều trường hợp tiền sử dụng đất quá 10 năm rất nhiều, hiện nay là năm 2018 kể cả những khoản cách đây 10 năm hay trước nữa, những khoản này còn nợ thuế nhiều nhưng tiền sử dụng đất rõ ràng tài sản nhà đất vẫn còn ở đó. Và đây là nguồn lực quốc gia và là tài sản công, nên không thể nào có thể xóa nợ đối với khoản này. Đề nghị ban soạn thảo lưu ý có thực hiện xóa nợ thì không bị sơ xuất gây thất thoát nguồn lực lớn của nhà nước” - đại biểu Nguyễn Vân Chi nhấn mạnh.