Dân Việt

'Cần kháng nghị hủy án vụ xe đầu kéo tông Innova đi lùi ở cao tốc'

Hoài Thanh 12/11/2018 17:32 GMT+7
"Chánh án TAND Tối cao cần kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND Thái Nguyên theo hướng hủy 2 bản án, trưng cầu giám định từ cơ quan chuyên môn", luật sư Nguyễn Văn Quynh nói.

Hôm 9.11, TAND tỉnh Thái Nguyên chính thức có bản án phúc thẩm vụ tài xế xe đầu kéo container tông chiếc Innova chở 11 người đi lùi trên cao tốc khiến bốn người tử vong.

Trong bản án, HĐXX khẳng định tài xế xe đầu kéo Lê Ngọc Hoàng gây ra tai nạn không phải là sự kiện bất ngờ như bị cáo đã khai mà do Hoàng đã vô ý quá tự tin.

Khi không điều khiển xe chuyển làn đường được và chỉ còn cách xe Innova của Sơn 10 m, Hoàng mới giẫm chết phanh, xe lết bánh trên đường, đâm vào phía sau xe của Sơn, đẩy chiếc Innova đi hơn 10 m thì mới dừng lại, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia đánh giá quá trình điều tra còn nhiều thiếu sót dẫn đến bản án được tuyên gây nên phản ứng trong dư luận. Liệu có khả năng hủy bản án để điều tra lại?

Hủy án là cần thiết

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định vụ án có mâu thuẫn về cơ cấu va chạm dẫn tới kết quả bản án thiếu khách quan. Do đó, ông Quynh cho rằng Chánh án TAND Tối cao cần kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên theo hướng hủy cả hai bản án này, trưng cầu giám định lại từ cơ quan chuyên môn về cơ cấu va chạm.

img

Nhiều người cho rằng cần dựng lại hiện trường vụ án để điều tra. Ảnh: Tư liệu.

Về việc vụ án đã xảy ra một thời gian dài nên việc giám định lại có thể sẽ gặp khó khăn, luật sư Quynh cho biết tuy vụ án xảy ra đã lâu nhưng vẫn có đầy đủ chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra. "Chừng đó đã đủ để cơ quan điều tra trưng cầu giám định cơ cấu va chạm", luật sư nói.

Tại bản án phúc thẩm, giám định viên của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, trình bày kết luận giám định vận tốc xe đầu kéo do Hoàng điều khiển lúc 15h38'59" vận tốc của xe đầu kéo là 62 km/h. Từ sau 15h39, vận tốc xe này bằng 0.

“Điều đó càng thể hiện Hoàng đã không chú ý quan sát phía trước có xe Innova do Sơn đang điều khiển lùi trên đường, có đèn cảnh báo nguy hiểm để giữ khoảng cách an toàn đối với xe của Sơn và giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp có chướng ngại vật trên đường.

"Cho nên, khi xe của Hoàng còn cách xe của Sơn 30 m (lời khai của Hoàng tại CQĐT và tại phiên tòa sơ, phúc thẩm) thì Hoàng mới phát hiện xe của Sơn đang lùi”, bản án nêu.

Một giảng viên bộ môn Luật Hình sự nói với Zing.vn: "Theo nguyên tắc tố tụng, nếu kết luận giám định không rõ để khẳng định tài xế Hoàng có tội, chứng cứ không đủ để buộc tội thì cơ quan điều tra phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội, kết luận tài xế không phạm tội".

Theo giảng viên này, trong vụ án, ngoài chứng cứ, lời khai bị cáo, kết luận giám định được xem là chứng cứ buộc tội, có thể làm thay đổi kết quả của vụ án. Nhưng kết luận giám định trong vụ án này có những điểm không rõ ràng, đơn cử như mất dữ liệu, điều vô lý khi tài xế xe đầu kéo container giảm tốc từ 62 km/h về 0 km/h chỉ trong thời gian quá ngắn.

Do đó, cần phải trưng cầu giám định lại quá trình va chạm giữa xe đầu kéo container và chiếc Innova. Việc kháng nghị hủy án để điều tra lại là cần thiết.

Chỉ có thể thực nghiệm khoảng cách phát hiện Innova đi lùi

Theo luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn luật sư TP.HCM), người có nhiều năm làm điều tra viên, đối với vụ án này theo luật sư chỉ có thể thực nghiệm khoảng cách phát hiện xe lùi, khó có thể thực nghiệm hai xe cùng di chuyển vì rất nguy hiểm.

"Quan trọng nhất là khoảng cách hai xe khi tài xế Hoàng phát hiện chiếc Innova đi lùi. Từ đó sẽ đánh giá tiếp khả năng phanh hoặc tránh. Việc thực nghiệm lại hiện trường thì phải bố trí xe có tải trọng tương tự như khi xảy ra tai nạn thì kết quả mới chính xác. Nhưng làm việc này lại quá mạo hiểm vì có thể tiếp tục xảy ra tai nạn", luật sư Dũ nêu quan điểm.

img

Hai tài xế Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa. Ảnh: N.A.

Cũng theo luật sư, điều khó khăn nhất nếu điều tra lại cũng chính là việc xác định khoảng cách giữa hai xe mà ở thời điểm đó, tài xế xe đầu kéo phát hiện chiếc Innova lùi phía trước. Với khoảng cách đã được xác định sẽ làm rõ được tài xế xe đầu kéo xử lý kịp hay không. Đây cũng chính là mấu chốt để giải quyết vụ án.

"Nếu qua thực nghiệm ra kết quả mà với khoảng cách đó tài xế Hoàng không thể nào xử lý được thì anh ta không có lỗi. Còn nếu hoàn toàn trong khả năng có thể xử lý thì việc kết tội tài xế này là có cơ sở. Điều này sẽ tùy thuộc vào kết quả giám định", luật sư Dũ nói.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng trong vụ án trên, việc tiến hành thực nghiệm điều tra (tái dựng hiện trường, tiến hành đo đạc thông số kỹ thuật, diễn tả hành vi, tình huống,…) cũng sẽ không quá khó khăn. Bởi cơ quan có thẩm quyền có thể tái dựng hiện trường và sử dụng các thiết bị để tính toán vận tốc, thời điểm va chạm.

Luật sư cũng đánh giá quá trình điều tra còn nhiều thiếu sót dẫn đến bản án được tuyên không làm hài lòng dư luận. "Việc bỏ qua thực nghiệm điều tra, tái dựng hiện trường vụ án, kiểm tra các khả năng cũng như tình huống có thể xảy ra, trưng cầu giám định vật lý khoa học,… có sai sót dẫn tới kết luận của tòa án có thể còn mang tính chủ quan, không thuyết phục, còn nóng vội", luật sư Hùng chia sẻ.