Cả hệ thông chính trị vào cuộc
Trao đổi với ông Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Hát Lót, được biết: Là xã miền núi, Hát Lót bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn. Xã có 31 bản, 5 dân tộc sinh sống: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Mường, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng thấp kém, tập quán canh tác lạc hậu... Năm 2010 xã bắt tay vào xây dựng NTM, thời điểm đó, Hát Lót mới đạt 4 tiêu chí, 7 chỉ tiêu; còn lại 15 tiêu chí và 42 chỉ tiêu chưa đạt. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26%, kết cấu hạ tầng nông thôn còn thiếu thốn nhiều.
Những con đường lầy lội ngày nào, giờ được rải nhựa phẳng lỳ thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống.
“Khó khăn chồng chất song xã coi đó là mục tiêu phấn đấu, lấy sức mạnh đoàn kết, phát huy nội lực để tháo gỡ. Trên cơ sở phân tích đánh giá thực tế địa bàn, xã đã tổ chức họp dân và thống nhất tất cả các nội dung xây dựng NTM đều được đưa vào các cuộc họp để người dân bàn bạc, hiến kế, lên kế hoạch từng bước đi, từng cách làm. Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong đông đảo người dân”, ông Hiền thông tin.
Sau 8 năm thực hiện, đến nay Hát Lót đã đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí về xã Nông thôn mới. Quá trình xây dựng NTM, xã Hát Lót đã huy động tổng nguồn lực tới: 62,233 tỷ đồng. Người dân đóng góp xây dựng NTM là 31.739 ngày công để hoàn thành 33 công trình đường giao thông nội bản, dài trên 23 km. 31/31 bản có nhà văn hóa...; 29/31 bản đạt tiêu chuẩn bản văn hóa. Hiện xã đang duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; xã có 4/6 trường đạt chuẩn quốc gia. Bình quân thu nhập đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,6%... đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. |
Sau 8 năm thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn, đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện từng tiêu chí phù hợp, theo nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau". Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân. Chỗ nào dân chưa hiểu, chưa rõ thì giải thích cặn kẽ, tạo sự thống nhất cao giữa chính quyền với người dân. Từ đó, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia góp sức người, sức của, góp tiền, hiến đất…
Bứt phá về đích nông thôn mới
Một trong những giải pháp được xã lựa chọn đó chính là tạo bước đột phá trong tam nông (nông dân- nông nghiệp – nông thôn), tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Vận động nhân dân phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đạt kết quả tích cực, hầu hết những diện tích đất nương, đất đồi từng trồng ngô, trồng sắn, lúa… trước đây, đã được trồng thay thế bằng cây ăn quả, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.
Nhiều diện tích cây ăn quả được mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Đến nay toàn xã đã có trên 800ha cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao, như: Xoài tượng, nhãn chín muộn, cây có múi. Hàng năm cho sản lượng 5.000 tấn xoài, trên 3.000 tấn nhãn. Từ trồng cây ăn quả, nhiều gia đình đã có thu nhập cao hơn hẳn, đó là điều mà trước đây người dân chưa từng nghĩ tới. Ngoài ra, các hợp tác xã được khuyến khích, tạo điều kiện thành lập, hoạt động, sản xuất. Hiện nay xã Hát Lót có 2 hợp tác xã (Ngọc Lan và cam Nà Sản) đã ký hợp đồng liên kết với các hộ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Lãnh đạo xã Hát Lót đón Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
“Mới đây, xã chính thức được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đây là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hát Lót. Từ kết quả đạt được, xã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng mô hình hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao đời sông người dân”, ông Hiền khẳng định.