Phong trào “Chiếm Phố Wall” đã kéo dài 3 tháng qua tại Mỹ, những người biểu tình công khai chỉ trích sự tham lam của tầng lớp giàu có, phản đối thái độ vô trách nhiệm của các thể chế tài chính.
Cũng giống Mỹ, tình hình bên kia bờ Đại Tây Dương cũng không mấy sáng sủa với các cuộc tuần hành, biểu tình, bãi công nổ ra liên tiếp do nhiều nguyên nhân đã làm rung chuyển hàng loạt thành phố và nhiều quốc gia châu Âu. Bất ổn xã hội nảy sinh do sự trục trặc của hai “đầu tàu” kinh tế thế giới này, qua đó phơi bày những khiếm khuyết cơ bản về cơ cấu của họ.
Với nhiều nước thuộc châu Âu già cỗi được bổ sung vào danh sách những nước nợ nần, “mô hình châu Âu” từng một thời được ngưỡng mộ đang mất dần đi ánh hào quang. Những cuộc khủng hoảng, dù là xảy ra trong “thời đại vàng son mới” ở Mỹ hay khủng hoảng nợ công tại châu Âu, đều cho thấy nguyên nhân gốc rễ của nó là bởi bội chi tín dụng, có thể sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng mang tính hệ thống trong thời gian tới.
Trong khi phong trào “Chiếm Phố Wall” vẫn chưa lắng xuống và các nền kinh tế phát triển vẫn đang lún sâu trong bất ổn kinh tế- xã hội, thì các nền kinh tế mới nổi, nhất là nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), lại đang có những bước tiến dài với sức sống mạnh mẽ. Trái với phương Tây, các nền kinh tế mới nổi đang chiếu rọi tia sáng hy vọng.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nền kinh tế mới nổi được dự đoán là sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình là 6,4% trong năm 2011, so với mức 1,6% của các nước phát triển. Các nước đang phát triển đang chiếm phần ngày càng lớn trong “miếng bánh” kinh tế thế giới.
Phạm Xuân Đông