Dân Việt

Tránh các cú sốc kinh tế

02/01/2012 13:46 GMT+7
(Dân Việt) - “Năm 2012, ổn định kinh tế vĩ mô phải được xem như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt mọi lĩnh vực của nền kinh tế, có như vậy, VN mới vượt qua được thời kỳ khó khăn, khủng hoảng này!”.
img
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN về triển vọng kinh tế VN năm 2012.

Ông nhận định tình hình kinh tế VN trong năm tới sẽ ra sao?

- Tôi cho rằng, năm 2012, nền kinh tế VN vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát, lãi suất còn cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Kinh tế thế giới năm 2012 có thể còn rơi vào suy thoái, đe dọa tới sự phát triển kinh tế của VN.

Theo nhiều dự báo của các tổ chức chuyên nghiệp và cá nhân uy tín trong và ngoài nước, năm 2012, nhất là trong nửa đầu năm, đặc biệt trong quý II/2012, nhìn chung sẽ có nhiều tín hiệu màu xám hơn năm 2011 xét cả về kinh tế và xã hội, cả trên phạm vi thế giới, cũng như quốc gia và mỗi ngành... Các dự báo đều thống nhất cho rằng, kinh tế thế giới và của nhiều nước năm 2012 sẽ tiêu cực hơn năm 2011…

Vậy ở trong nước, chúng ta tiếp tục phải xử lý các tồn tại như thế nào trong bối cảnh đó, thưa ông?

- Chúng ta cần tránh các cú "sốc" kinh tế đáng ngại như đã diễn ra trong năm 2011. Năm 2011, chúng ta phải ghi nhận những cú "sốc" kinh tế trên nhiều lĩnh vực..., mà điển hình là việc dồn dập điều chỉnh tỷ giá và tăng giá xăng, dầu, điện... "Mở hàng" đầu năm là cú sốc điều chỉnh tỷ giá VND với USD (tăng 9,3% từ ngày 11.2.2011).

Tiếp ngay sau đó là những cú sốc dồn dập về tăng giá xăng- dầu (tăng từ 17-24%) và giá điện (tăng 15,2% từ 1.3.2011). Sự hội tụ tập trung trong thời gian ngắn những cú sốc tăng giá "khủng" sau thời gian dài cố nén trước đó đã làm bùng phát các xung lực tiêu cực dẫn đến hệ lụy lạm phát cao kéo dài.

Các cú sốc khác như bùng nổ nợ khó đòi ngân hàng và đổ vỡ tín dụng đen; đại hạ giá trên thị trường bất động sản và chứng khoán hay tăng vọt bất thường lượng doanh nghiệp thua lỗ...

Vì vậy, nhận diện những bất cập và đặc biệt xử lý tốt các hệ quả đã, đang và sẽ phát sinh của những cú sốc kinh tế nêu trên trở thành một trong những yêu cầu bức thiết để ngăn ngừa và kiểm soát tốt hơn sự tái lặp các cú sốc đó trong năm 2012.

Nói như vậy, theo ông, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô có thể trở thành thách thức lớn hơn nếu không có giải pháp quyết liệt, hiệu quả...?

- Đúng vậy. Bởi năm 2012, lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn khá cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó hơn. Nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá. Giá vàng trên thị trường có nhiều khả năng vẫn biến động bất thường.

img
Người tiêu dùng kỳ vọng các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp tăng giá bất hợp lý, giữ ổn định thị trường (ảnh minh họa).

Ngoài ra, vẫn còn những thách thức cho năm 2012 như tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều lực cản chưa dễ tháo gỡ; hệ số tín nhiệm quốc gia thấp và chỉ số cạnh tranh tụt bậc liên tiếp nhiều năm...

Trước mắt, khả năng tăng giá xăng, dầu, điện và than kiểu "sốc" sẽ khó có cơ hội phát tác như năm 2011. Tuy nhiên, những cú sốc hạ giá trên thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ còn tiếp diễn chưa có điểm dừng...

Vậy theo ông, chúng ta phải làm thế nào để có thể ổn định được nền kinh tế, vượt qua các khó khăn, thách thức trong năm 2012?

- Chúng ta vẫn có những lợi thế nhất định để giúp ổn định nền kinh tế. Đó là dù khó khăn, chúng ta vẫn có những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế như thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.

Nợ công được giữ ở mức an toàn. An ninh năng lượng và an ninh lương thực được bảo đảm; quy mô nền kinh tế tăng lên, các ngành kinh tế xã hội đều có bước phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Đặc biệt, chúng ta vẫn được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức thế giới tin cậy vào sự ổn định và triển vọng đầu tư tốt cả về trung và dài hạn. Chỉ còn quyết tâm của chúng ta trong việc thực hiện các giải pháp có quyết liệt không thôi.

“Quyết liệt” ở đây nên hiểu là cần phải làm gì, thưa ông?

- Đó là năm 2012, việc ổn định kinh tế vĩ mô phải được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011 - 2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách.

“ Theo nhiều dự báo, năm 2012, nhất là trong nửa đầu năm, nhìn chung sẽ có nhiều tín hiệu màu xám xét cả về kinh tế và xã hội, cả trên thế giới, cũng như quốc gia, mỗi ngành...”.

Chúng ta cần tăng cường quản lý nhà nước về giá. Ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường, thực hiện công khai minh bạch giá các hàng hóa này, đồng thời có cơ chế hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Chính phủ nên ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Phải đặc biệt quan tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bảo đảm đủ vốn, đủ ngoại tệ cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm mà thị trường trong nước và xuất khẩu đang có nhu cầu lớn.

Sử dụng công cụ thuế một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN: “Cắt” tối đa thủ tục hành chính

Năm 2012, Chính phủ cần đầu tư mạnh và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá hàng hóa VN ra nước ngoài.

Chúng ta phải thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa để cân bằng nền kinh tế, Chính phủ cũng nên thật sự giảm tối đa các thủ tục hành chính gây lãng phí lớn cho sản xuất và xuất khẩu, tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của hàng hóa VN cả ở trong và ngoài nước.

Việc thắt chặt tín dụng và lãi suất cao trải đều cho các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực sẽ càng làm doanh nghiệp lâm vào khó khăn, thậm chí phá sản.

Ông Mạc Văn Nam - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Đại Lợi (Hà Nội): Mong lãi suất vay hạ nhiệt

Thực tế năm 2011, những chính sách thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều doanh nghiệp. Đơn cử chúng tôi phải vay vốn của ngân hàng lên tới 24%, nhưng doanh nghiệp tôi vay thế vẫn là hạnh phúc và có thể sống nổi qua ngày, nhiều doanh nghiệp đã phải vay với lãi suất cao hơn và rất khó khăn.

Chúng tôi mong năm 2012, Chính phủ có giải pháp quyết liệt hơn để ổn định kinh tế, hạ lãi suất cho doanh nghiệp bởi năm qua các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã quá khó khăn, vất vả.

Ông Cao Viết Sinh - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư: Giảm dần đầu tư công

Tôi cho rằng năm 2012, nền kinh tế VN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát, lãi suất còn cao, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của nhân dân.

Kinh tế thế giới năm 2012 cũng còn diễn biến phức tạp, thậm chí có thể rơi vào suy thoái; tác động xấu tới nền kinh tế trong nước. Với dự báo như vậy, năm 2012, chủ trương của chúng ta vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Chúng ta sẽ giảm dần đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; cải cách mạnh doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Chúng ta cũng chủ trương rà soát lại các cơ chế chính sách để giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn để các doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh.