Theo kinh nghiệm của bà con đồng bào Hrê ở vùng cao Ba Tơ, tùy theo địa hình, dòng chảy của sông, suối mà người đi “săn” sử dụng từng loại dụng cụ đánh bắt phù hợp. Tuy nhiên, thông thường, để bắt cá trên sông, suối vào những ngày mưa, họ dùng một dụng cụ đơn giản nhất là nhá.
Cái nhá trông giống như chiếc vó, nhưng nó được làm đơn giản và gọn nhẹ hơn, chỉ gồm 4 đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1m và một tấm lưới gai. Muốn bắt cá phải vác nhá đi dọc bờ sông, tìm chỗ đón trúng luồng cá chạy rồi mới thả nhá.
Chiếc nhá khá gọn nhẹ nên không chỉ đàn ông mà cả chị em phụ nữ cũng có thể dùng nhá để bắt cá.
Có thể kéo nhá lên hàng chục lượt vẫn không được gì ngoài mấy con cá suối nhỏ nhưng người kéo vẫn không hề nhụt chí.
Để bắt được nhiều cá, nhiều thanh niên khỏe mạnh liều mình ra dòng nước chảy xiết để đón luồng cá rất nguy hiểm, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhiều người, nhất là những cụ già lớn tuổi họ chọn giải pháp ăn toàn là đứng trên bờ, chọn địa điểm thích hợp để thả và kéo nhá.
Đối với người vùng cao, bắt cá mùa mưa lũ không đơn thuần là thú vui mà còn là câu chuyện mưu sinh của không ít người để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Sau nhiều giờ vật lộn với dòng nước chảy xiết, họ mang nhá trở về nhà với thành quả là…
…những giỏ cá đầy. Số cá đánh bắt được với nhiều loại cá phong phú này, ngoài dùng trong bữa ăn gia đình, họ còn mang ra chợ bán để lấy tiền mua các nhu yếu phẩm khác trong gia đình. Theo tiết lộ của một số người, một buổi nếu làm siêng và may mắn, mỗi người cũng kiếm được 100- 120 ngàn đồng. Đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ đối với đồng bào vùng cao trong những ngày mưa.