Đã quyết là làm
Năm xưa, chiến khu Đông Triều (hay còn gọi là chiến khu Trần Hưng Đạo) là nơi in dấu những chiến công hiển hách của quân và dân Quảng Ninh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chiến tranh đi qua đã để lại rất nhiều dấu tích. Cách đây hơn 1 năm, bên cạnh trạm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Triều là khoảng đất trống trơ sỏi, đá và cả một… hố bom cực lớn, còn sót lại rất nhiều vỏ đạn 12,7mm.
Nuôi ba ba tăng gia sản xuất tại Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Triều. |
Được huyện Đông Triều giao quản lý khu vực này, Thượng tá Nguyễn Hảo Thiếu - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện cứ trăn trở một điều: “Làm thế nào để vừa hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, vừa tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có để xây dựng một mô hình kinh tế có hiệu quả, cải thiện đời sống bộ đội”. Bàn bạc kỹ với anh em trong đơn vị, cuối cùng niềm tin được gửi gắm vào 4 quân nhân: Nguyễn Văn Vỹ, Tiêu Quang Chín, Nguyễn Văn Tình và Phan Văn Bình.
Nhận nhiệm vụ ở trạm, sau khi tính đến nhiều cách làm kinh tế khác nhau, mô hình đào hồ nuôi ba ba nhận được sự nhất trí cao. Nhưng lập tức, khó khăn xuất hiện khi kinh nghiệm nuôi ba ba của cả 4 anh em chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Thậm chí, thiếu úy Nguyễn Văn Vỹ còn nhớ mãi câu chuyện khi anh về trao đổi với vợ thì bà xã phán gọn một câu: “Bố nó làm bộ đội thôi chứ biết gì mà nuôi ba ba”.
Lo lắm, nhưng đã quyết là phải làm bằng được. Thế là, ngoài công việc ở trạm, mỗi khi rảnh, mọi người đều tận dụng tối đa thời gian để “tầm sư học đạo”. Bất kể lúc nào, câu chuyện của mọi người cũng xoay quanh chủ đề nuôi con ba ba như thế nào để đạt hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, trung úy Nguyễn Văn Tình cho biết: “Không có kinh nghiệm nên chúng tôi phải cẩn trọng từng chút một. Học từ thực tế của người dân đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong việc nuôi ba ba đúng cách”.
Thiếu úy Nguyễn Văn Vỹ
Sau khi đã tìm hiểu kỹ cách nuôi ba ba, anh em nhanh chóng bắt tay vào việc. “Nước sông, công lính” có khác, chỉ trong một thời gian ngắn cuối năm 2010, hố bom ở cạnh trạm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Triều đã biến mất, thay vào đó là một hồ nuôi ba ba có diện tích hơn 300m2. 117 con ba ba được thả xuống mang theo rất nhiều hy vọng của anh em. Không ngại khó, ngại khổ, hằng ngày, mọi người phân công nhau làm thức ăn cho đàn ba ba, đồng thời tích cực hỏi thêm thông tin về cách nuôi ba ba của những người dân có kinh nghiệm.
Dẫn chúng tôi tham quan hồ nuôi ba ba trước khi tát nước thu hoạch lứa ba ba đầu tiên, trung úy Tiêu Quang Chín kể chuyện như một “lão nông” thứ thiệt: “Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm được nguồn nước. Hồ của chúng tôi ở gần sông Cầm nên việc dẫn nước để nuôi ba ba tương đối thuận lợi”.
Hố bom trước kia giờ đã biến thành hồ nuôi ba ba. |
Lứa ba ba đầu tiên, anh em vớt lên được 107 con, sau khi bán thương phẩm, cộng trừ cẩn thận thì lãi khoảng 50 triệu đồng. Số tiền không phải lớn, nhưng ai cũng mừng khi thấy mồ hôi, công sức của mình được đền đáp và phát huy hiệu quả.
Thiếu úy Nguyễn Văn Vỹ nói vui: “Khi bắt đầu nuôi ba ba, anh em tôi như già đi 10 tuổi. Bây giờ, thu hoạch lứa ba ba này, vui quá, mỗi người lại như trẻ đi chục tuổi. Khi tôi “báo cáo” kết quả với vợ, bà xã cứ tấm tắc khen: “Bố nó giỏi thật”.
Tiệc buffet cho bộ đội
Hồ nuôi ba ba này không phải lớn và số tiền lãi cũng chưa nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là mô hình kinh tế này đã phát huy hiệu quả để tạo tiền đề cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh nhân rộng. Thiếu úy Nguyễn Văn Vỹ cho biết: “Bây giờ, chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm và hoàn toàn có đủ khả năng hướng dẫn, trao đổi với đồng đội trong việc nuôi ba ba thế nào để đạt hiệu quả cao nhất”.
Với kế hoạch đã được thống nhất từ trước, Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Triều quyết định sử dụng tất cả số tiền thu được để tái đầu tư, mở rộng quy mô nuôi ba ba. Hiện tại, một khu đất trống khác ở vị trí thuận lợi đã được nhắm tới để khi có thêm kinh phí, đơn vị sẽ tiếp tục tái đầu tư vào việc đào thêm hồ nuôi ba ba. Thượng tá Nguyễn Hảo Thiếu khẳng định: “Thấy anh em thành công, không chỉ riêng tôi mà mọi người trong đơn vị đều mừng lắm. Thực tế đã chứng minh rằng, nỗ lực của chúng tôi đã phát huy hiệu quả và có thể được nhân rộng”.
Ở lứa ba ba đầu tiên nuôi theo diện thí điểm, anh Vỹ và đồng đội mua ba ba nặng từ 0,3kg trở lên, đã cứng cáp để hạn chế rủi ro. Bởi vậy mà cả quá trình nuôi ba ba đến khi thu hoạch được rút ngắn chỉ còn một năm, ba ba khi vớt lên nhiều con nặng hơn 2kg. Nhưng sau khi đã có thực tế, từ lứa ba ba tiếp theo, mọi người sẽ áp dụng cách nuôi từ khi ba ba bắt đầu đẻ bởi sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.
Khó khăn lớn nhất là kinh nghiệm đã được giải quyết, còn thuận lợi là sự chung sức, đồng lòng thì được phát huy tối đa. Trung úy Phan Văn Bình cho biết: “Từ khi có hồ ba ba, đêm nào chúng tôi cũng thay phiên nhau “canh gác” ở hồ. Khi thu hoạch đạt kết quả cũng thấy vui khi biết bao công sức trong hơn một năm qua đã được đền đáp”.
Ngoài việc nuôi ba ba, “bộ tứ” Vỹ - Chín - Tình - Bình còn nuôi thêm 3.000 con gà, 1.000 con vịt, một đàn nhím. Cách nghĩ, cách làm của anh em là: “Những gì có thể làm được thì nên gắng hết sức để làm. Mỗi người nỗ lực một chút thì sẽ đạt được thành công”.
Bên cạnh khoản kinh phí tái đầu tư cho việc nuôi ba ba, việc tăng gia đạt hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Triều. Có lẽ, trong toàn quân, đây là đơn vị duy nhất bữa ăn của bộ đội áp dụng theo kiểu buffet, mỗi bữa ăn là một thực đơn rất phong phú và mỗi người có thể ăn theo nhu cầu với số lượng không hạn chế. Điều này có được cũng bắt nguồn từ phương châm “bộ đội đủ khả năng làm kinh tế” của chỉ huy đơn vị.
Đánh giá về mô hình nuôi ba ba của Ban chỉ huy quân sự huyện Đông Triều, Thiếu tướng Trần Thành - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đây là cách làm kinh tế đạt hiệu quả và sẽ được nhân rộng. Thành công này đã góp phần thể hiện phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ trong thời bình”.
Hoàng Minh - Đức Hiếu