Ngày 13.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, qua nghiên cứu Báo cáo thi hành án dân sự của Chính phủ năm 2018, ông đánh giá cao nỗ lực của ngành thi hành án dân sự trong năm qua đã có nhiều biện pháp khắc phục.
Đặc biệt, đi đôi với giáo dục, thuyết phục đã tăng cường công tác cưỡng chế với gần 10.000 vụ việc, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong đôn đốc, thi hành án. Từ đó, kết quả đã đạt được khá tích cực, đặc biệt số việc thi hành án xong đạt 80,3 % trên số việc phải thi hành có điều kiện.
Tuy nhiên, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cũng chia sẻ với ngành về áp lực ngày một gia tăng do số việc thi hành án ngày càng cao. Năm 2018, tăng 44.619 việc bằng 5,06% số việc với 23,041 tỷ đồng bằng 13,32% về số tiền.
Trong đó, các vụ án tham nhũng với số tiền phải thi hành án rất lớn, có nguy cơ tồn đọng cao đang hiện hữu. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số tiền thi hành án xong cũng mới chỉ đạt 38,35% trên tổng số tiền có điều kiện, nếu so với tổng số tiền mà tổng số án phải thi hành thì rất thấp. Nguyên nhân của việc tồn đọng có nhiều nhưng nguyên nhân trong báo cáo cũng đã chỉ rõ.
“Tôi xin phân tích sâu một số khía cạnh để từ đó có các giải pháp căn cơ lâu dài có thể giải quyết tình trạng trên. Theo báo cáo, trong 5 vụ án điển hình thi hành án trong năm qua gồm vụ Dương Trí Dũng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, vụ Hoàng Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, còn lại 11.515 tỷ đồng. Nếu trừ vụ Phạm Công Danh có số thi hành cao đạt trên 5.200 tỷ đồng cho giải chấp 124 sổ tiết kiệm, còn lại 4 vụ án nói trên thì số tiền cũng mới chỉ đạt 2%, tức là khoảng 100 tỷ trên 5.000 tỷ đồng. Khả năng các vụ án đang thi hành nhưng khả năng thi hành để đạt kết quả là rất khó khăn.
Nguyên nhân của việc này báo cáo đã chỉ ra, tôi xin nêu lại một số nguyên nhân cơ bản sau. Thứ nhất, việc kê biên, phong tỏa tài sản cũng chưa nhiều so với tổng số tiền mà các vụ án này phải bồi thường. Tài sản kê biên chủ yếu là nhà đất có nhiều vướng mắc do không thống nhất được với số liệu của bản án và tài sản kê biên. Tài sản kê biên có tranh chấp lại phải nhờ, phải chờ tòa án giải quyết xong mới giải quyết được việc kê biên tài sản. Tài sản liên quan đến quy hoạch, quản lý của chính quyền địa phương cũng phải chờ ý kiến của chính quyền địa phương mới có phương án giải quyết cụ thể. Tài sản kê biên được tổ chức bán đấu giá nhưng không có người mua, lại phải tiến hành hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Thực tế có những vụ phải hạ giá tới lần thứ năm.
Từ thực tế trên, trong công tác quản lý tài sản của cán bộ, công chức nói riêng cũng như của công dân nói chung, nhất là về bất động sản nhà đất còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn trong xử lý thi hành án nói riêng cũng như trong công tác quản lý nhà nước nói chung.
Thứ hai, thực tế Quốc hội đã sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nội dung xử lý tài sản tăng thêm mà người kê khai không giải trình được, đến nay Quốc hội cũng chưa có được đồng thuận cao một trong phương án của Chính phủ trình. Nguyên nhân chính cũng là công tác quản lý tài sản của công dân chưa được chặt chẽ, đầy đủ, thiếu cơ chế quản lý, rất khó khăn trong việc xác minh, chứng minh nguồn gốc tài sản.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền kiến nghị cần ban hành Luật Thuế về tài sản, nhất là đối với bất động sản. (Ảnh minh họa)
Từ những vướng mắc nêu trên, ĐBQH Bùi Văn Xuyền kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục và thực hiện một số nội dung.
Đầu tiên, cần ban hành Luật Thuế về tài sản, nhất là đối với bất động sản. “Mục tiêu chính không phải là để thu cho ngân sách mà làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ bất động sản, nhà đất, chống đầu cơ về bất động sản, tạo thị trường bất động sản lành mạnh, trung thực, đúng giá thị trường, làm cơ sở cho việc xây dựng các cơ chế chính sách như bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư”, ĐBQH Bùi Văn Xuyền nói.
Thứ hai, cần thực hiện nghiêm túc, triệt để việc thanh toán trong giao dịch kinh tế dân sự không dùng tiền mặt thông qua ngân hàng. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã quy định để đảm bảo an toàn, quản lý chặt chẽ các giao dịch thông qua hệ thống ngân hàng, tiết kiệm việc in tiền mặt.
Thứ ba, có cơ chế quản lý các giao dịch lớn, nhất là giao dịch mua bán bất động sản, đảm bảo minh bạch trong giao dịch bất động sản.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc việc mua bán hàng hóa có hóa đơn, thanh, quyết toán thuế công khai, minh bạch. Tài sản, hàng hóa được lưu giữ hóa đơn, chứng từ, tạo thói quen sử dụng hóa đơn, chứng từ trong nhân dân.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý về đất đai, tài sản, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, tài sản, trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về nhà đất hoàn chỉnh, kết nối sử dụng trong quản lý nhà nước cũng như phục vụ nhu cầu giao dịch của người dân, doanh nghiệp.