Cuộc sống khó khăn, lại chỉ còn 1 tay nên lão nông Hồ Văn Sanh phải cắt hơn phân nửa miếng đất chưa tới 1.000 m2 bán lấy tiền và rời quê hương (xã Long Khánh) về miệt Hậu Giang làm công. Ở vùng đất Hậu Giang, ông học được nghề nuôi ba ba và quyết định thuê đất đào gần chục ao nuôi loài đặc sản này.
Hơn mười năm gắn bó với nghề nuôi ba ba, lão nông Hồ Văn Sanh nếm đủ mọi thăng trầm với nó, nhưng do ở miệt Hậu Giang người ta nuôi nhiều, chi phí thuê đất cao, nên lợi nhuận đạt được cũng không nhiều.
Đầu năm 2018, ông quyết định quay về nền đất cũ ở xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, bỏ hơn trăm triệu xin "chuộc" lại hơn phân nửa phần đất đã bán để đào 2 vuông nhỏ tiếp tục nuôi ba ba.
Đam mê với con "đầu cứ thụt ra thụt vào", hàng ngày chăm sóc và nhìn ngắm chúng lặn xuống nổi lên cũng là thú vui của lão nông Hồ Văn Sanh. Ảnh: Lê Quang
“Tôi mua hơn 2.000 con giống ba ba với chi phí chỉ 2.000 đồng/con. Trong số này, tôi tách ra hơn 1.200 con giống cái để nuôi riêng một ao và chỉ thả thêm vài chục con đực giống. Còn lại hơn 800 con ba ba đực khác thì nuôi một ao riêng, bởi với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi ba ba, nếu không tách ra từ đầu thì chỉ hơi lớn một chút tới thời điểm sinh sản, nếu để nhiều con đực sẽ làm chết con cái”, ông Sanh nói.
Cũng theo lão nông này, dù nuôi hơn 2.000 con ba ba nhưng chi phí thức ăn mỗi ngày không tới 50.000 đồng (mua cá ươn, ruột và đầu cá... về xay nhuyễn), nên tính từ đầu năm đến nay, chi phí mua con giống và thức ăn chưa tới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nhẩm tính sơ sơ thì ông đã có hơn 1 tấn ba ba thương phẩm, nếu bán với giá thấp nhất hiện nay là 100.000 đồng/kg thì lão nông Hồ Văn Sanh cũng bỏ túi hơn 100 triệu đồng.
Chiếc máy xay tự chế của ông Hồ Văn Xanh, chế biến các loại phế phẩm từ đầu cá, ruột cá, các loại cá ươn thành thức ăn cho ba ba với chi phí rẻ bèo. Ảnh: Lê Quang
“Từ kinh nghiệm tích cóp được, tôi quyết định tiếp tục nuôi hơn 1.200 ba ba cái lấy trứng làm giống và nuôi hơn 800 ba ba đực qua Tết Nguyên đán, khi đó mỗi con đực thương phẩm chắc chắn sẽ nặng từ trên 0,5kg đến dưới 1kg và giá thành sẽ đạt khoảng 150-160 nghìn đồng/kg. Còn bán bây giờ thì chỉ được khoảng 100 nghìn đồng/kg do ba ba thương phẩm này mới nặng khoảng hơn 0,4kg”, ông Sanh cho biết thêm.
Cụ thể, với hơn 1.200 con giống ba ba cái, khoảng đầu tháng 1.2019, ông Sanh sẽ “bắc cầu” cho những con giống này leo lên bờ cát được thiết kế xung quanh bờ ao để đẻ trứng, sau đó số lượng trứng này được ông cho vào thùng xốp có lót cát để ấp. Sau 2 tháng, các trứng ba ba sẽ tự động nở và ông sẽ tiếp tục chọn giống để nuôi tiếp ở ao kế cận sau khi xuất bán hơn 800 ba ba đực; hoặc sẽ bán giống cho các hộ dân trong xã, trong huyện có nhu cầu nuôi loài đặc sản này.
“Với hơn 1.200 con giống cái, trung bình 3 đêm đẻ sẽ cho khoảng 2.000 trứng (mỗi con trung bình đẻ từ 10-15 trứng). Lượng trứng này nếu chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ nở ra đầy đủ vì tỷ lệ hao hụt sẽ rất ít (chỉ trừ lượng trứng không có đực). Hơn nữa ba ba đẻ rất sai nên nếu cứ đủ mồi cho ăn thì nó sẽ liên tục đẻ và lượng giống tự cung tự cấp và cung ứng cho thị trường để bán giống là rất khả quan”, ông Sanh chia sẻ.