Như Dân Việt đã thông tin, những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một clip dài gần 3 phút được cho là quay cảnh bắt "vụ hot girl bán dâm" tại một khách sạn được cho là ở TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Clip đang được lan truyền một cách chóng mặt. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh được quay trong căn phòng có giường trải ga trắng, nội thất hiện đại, trông giống như một khách sạn, nhà nghỉ. Các chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng, clip này quay tại một khách sạn cao cấp ở TP. Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn).
Trong clip là một cô gái trẻ tuổi và một thanh niên bị quay rõ mặt trong tình trạng không mảnh vải che thân đang co ro ngồi nhìn nhóm người mặc sắc phục công an tra hỏi.
Sáng nay, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Thăng - Trưởng Công an TP. Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, sau khi kiểm tra, có thể khẳng định rằng, clip không phải quay ở TP Lạng Sơn. Thông tin cho rằng, clip được quay tại một khách sạn trên địa bàn là bịa đặt.
Sau sự việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về việc, khi cơ quan chức năng triệt phá hoạt động mại dâm có được phép quay và chia sẻ clip lên mạng không?
Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc, khi triệt phá hoạt động mại dâm, lực lượng công an được phép sử dụng nghiệp vụ để quay, chụp hình ảnh làm tài liệu, chứng cứ. Việc này được xem như là tài liệu nội bộ phục vụ quá trình điều tra.
Tuy nhiên, theo luật sư Hòe, không chỉ công an mà bất kì người dân nào cũng không được phép phát tán, hoặc chia sẻ clip đó lên mạng xã hội hoặc bất kì đâu, đó là hành vi cấm và vi phạm pháp luật. Chia sẻ clip tức là đã xâm phạm đến thân thể, danh dự và uy tín của người khác.
“Với đối tượng có liên quan đến hành vi mua bán dâm không được phép công khai vì nó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người ta. Hơn nữa hành vi này chỉ bị xử lý hành chính nên việc chia sẻ là phạm pháp” – luật sư Hòe nói.
Về hướng xử lý, theo vị luật sư, người bị phát tán có quyền kiện cơ quan công an hoặc kiện người đã phát tán clip. Sẽ có hai trường hợp xảy ra, thứ nhất nếu người bị phát tán xác định được chính xác người phát tán, có thể làm đơn tố cáo trực tiếp.
Thứ hai, trong trường chưa chắc chắn có thể làm đơn kêu cứu gửi lên Công an của địa phương đó. Sau đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc làm rõ để xem ai là người đã phát tán và mục đích phát tán là gì.
Sau quá trình điều tra, nếu xác định được mục đích phát tán là để làm nhục người khác, cơ quan cảnh sát điều ra có thể khởi tố đối tượng phát tán về tội “Làm nhục người khác”.