Nghề nghiệp chính là gì?
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, trú tại xóm 4, Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi gửi đơn đến Điện tử Dân Việt phản ánh Cty bảo hiểm đã mập mờ trong việc chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng .
Chị Thảo trình bày: Ông Lê Tấn Tin, sinh năm 1976, là chồng bà Thảo khi còn sống không có việc làm ổn định, tại địa phương ai thuê gì làm nấy. Năm 2014, ông Tín được ông Nguyễn Thanh Hòa là người cùng thôn đầu tư cho nuôi bò tại thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh.
Ngày 4.5.2015, bà Thảo mua sản phẩm bảo hiểm “An tâm hưng thịnh” của Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty Dai-ichi), hợp đồng số 2207498, phí bảo hiểm định kỳ 9.404.300 đồng/năm. Thời hạn hợp đồng từ 4.5.2015 đến 4.5.2040. Người được bảo hiểm chính là ông Lê Tấn Tin. Tổng số tiền bảo hiểm (bảo hiểm cơ bản) là 350 triệu đồng.
Ngày 9.6.2018, ông Tin đột ngột mất tại nhà riêng do bị bệnh, có xác nhận tại giấy Trích lục khai tử số 99/TLKT ngày 14.6.2018 của UBND xã Phổ Thạnh. Sau khi ông Tin mất, bà Thảo làm thủ tục đề nghị phía Dai-ichi thực hiện chi trả bảo hiểm theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, phía bảo hiểm Dai-ichi từ chối chi trả theo hợp đồng, chỉ đề nghị hỗ trợ cho gia đình một phần chi phí.
Lý do được công ty đưa ra là do bên mua bảo hiểm (ông Lê Tấn Tin) thay đổi nghề nghiệp từ làm nông nghiệp sang đi biển nhưng không thông báo cho Công ty Dai-ichi biết là vi phạm các quy định đã ký.
Bà Thảo gửi đơn đến Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt
Bà Thảo không đồng tình với cách giải quyết của Công ty Dai-ichi, bởi ông Tin có đi biển một chuyến duy nhất 20 ngày từ tháng 4.2018 để phụ giúp cho người bà con. Công việc chính của ông Tín từ trước đó đến khi mất vẫn là làm ruộng, chăn bò tại địa phương. Sự việc này đã được cấp chính quyền xã Phổ Thạnh, công an xã, ban nhân dân thôn Long Thạnh I xác nhận.
Bà Thảo thông tin thêm, thời điểm sau khi chồng bà mất khoảng 1 tháng, nhân viên của Công ty Dai-ichi tới nhà xác nhận sự thay đổi công việc của ông Tín thông qua người mẹ nay đã 70 tuổi, trí nhớ không còn mình mẫn.
"Tôi còn đang đau buồn cũng không đủ tỉnh táo đọc nội dung; đồng thời tin tưởng nhân viên bảo hiểm nên đã ký vào bản xác nhận công việc của ông Tin do nhân viên bảo hiểm lập. Liệu đây có phải là cách Công ty Dai-ichi Life Việt Nam "bẫy" khách hàng để tránh trách nhiệm bồi thường hợp đồng" - bà Thảo cho biết.
Giá trị hợp đồng 350 triệu, hỗ trợ 30 triệu
Trong thông báo ngày 10.8.2018 trả lời sau khi nhận Đơn xin cứu xét khẩn cấp của bà Thảo, Công ty Dai-ichi nêu: “Căn cứ biên bản trao đổi xác nhận được lập vào lúc 16h30 ngày 19.7.2018, bên mua bảo hiểm Nguyễn Thị Thu Thảo đã xác nhận: Ông Lê Tấn Tin nghề nghiệp đi biển. Đánh bắt xa bờ một tháng mới vào bán cá một lần ở cảng".
Xác nhận của công an xã, trưởng thôn cũng như người dân về nghề nghiệp của ông Tin trước khi chết là nông nghiệp và chăn nuôi bò.
Ngoài ra, biên bản trao đổi với Công an xã Phổ Thạnh lập ngày 19.8.2018 ghi nhận: Ông Lê Tấn Tin… nghề nghiệp đi biển đánh bắt tại Đà Nẵng.
"Do nghề nghiệp đi biển đánh bắt xa bờ không được chấp nhận bảo hiểm nên Dai-ichi Life Việt Nam rất tiếc không thể giải quyết quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp này…” - văn bản trả lời bà Thảo của Dai-ichi Việt Nam nêu.
Trước đó, Công ty Dai-ichi đã chi trả số tiền 30 triệu đồng, gọi là Quyền lợi chu toàn hậu sự cho gia đình bà Thảo. Cùng với đó, theo tính toán của Công ty Dai-ichi, bà Thảo nhận thêm khoản Giá trị tiền mặt thực trả của hợp đồng tính đến ngày 9.6.2018 là 6.326.100 đồng. Tuy nhiên, số tiền này bị khấu trừ vào số tiền 30 triệu trên.
Bà Thảo cho biết thêm, sau khi bà có Đơn xin cứu xét khẩn cấp, đại diện Công ty Dai-ichi có điện thoại về, thỏa thuận chi trả thêm cho gia đình số tiền 30 triệu đồng. Tuy nhiên bà Thảo không chấp nhận.
Phóng viên Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt đã liên hệ với bộ phận truyền thông của Công ty Dai-ichi để đặt lịch làm việc và lắng nghe ý kiến từ phía công ty này.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.