Dân Việt

Vụ Dai-ichi từ chối trả bảo hiểm: Lý do từ chối chưa thỏa đáng?

Phương Thảo 16/11/2018 07:20 GMT+7
Sau khi Dân Việt đăng bài viết phản ánh bà Nguyễn Thị Thu Thảo, là vợ ông Lê Tấn Tin (trú tại xóm 4, Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam từ chối trách nhiệm bồi thường hợp đồng, đã có nhiều ý kiến của luật sư không đồng tình với cách xử lý của Cty bảo hiểm.

Luật sư Lê Văn Hùng – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương cho rằng: "Trong vụ việc này, việc ông Tin tử vong không liên quan đến nghề nghiệp".

Theo ông Hùng, Việc Cty Dai – ichi lấy xác nhận ông Tin thay đổi nghề nghiệp, căn cứ vào việc thay đổi nghề nghiệp để từ chối bảo hiểm là chưa đúng, chưa thỏa đáng. 

Bởi người được bảo hiểm chết không phải do nguyên nhân đi biển. Vì vậy việc thông báo thay đổi nghề nghiệp không liên quan gì tới nguyên nhân chết của khách hàng.

Còn luật sư Nguyễn Thanh Tú – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội nêu quan điểm: "Nếu đúng như đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Thu Thảo và báo chí nêu, ông Tin đi biển 20 ngày và chỉ một lần duy nhất cách đó vài tháng thì không thể nói đây là nghề nghiệp chính của ông Tin".

Bởi nghề nghiệp chính của ông Tin vẫn là làm ruộng, chăn nuôi toàn thời gian, ở tại địa phương và có rất nhiều người biết, chứng kiến. Nếu bà Thảo chứng minh được thực tế đúng là như vậy, bảo hiểm không thể căn cứ tờ xác nhận nghề nghiệp kia để từ chối trách nhiệm bồi thường.

Còn luật sư Nguyễn Doãn Thịnh – TP.Hải Phòng cho rằng phải xem xét kỹ các điều khoản của gói bảo hiểm mà ông Tin tham gia.

Theo trích dẫn tại thông báo của Dai – ichi nêu tại khoản 3 điều 7: “Dai-ichi Life Việt Nam có quyền từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ về việc người được bảo hiểm thay đổi nghề nghiệp”.

Như vậy Dai – ichi phải chứng minh việc đi biển là nghề nghiệp của ông Tin cho tới khi ông Tin qua đời.

img

LS Lê Văn Hùng cho rằng ông Tin qua đời không phải do nguyên nhân đi biển thì việc Dai - ichi từ chối bồi thường là không đúng

Đối với bà Thảo, mặc dù đã ký vào xác nhận nghề nghiệp của chồng, nhưng bà Thảo vẫn có quyền chứng minh việc chồng bà đi biển chỉ có 20 ngày, thời gian xảy ra trước khi ông Tin chết đã mấy tháng.

"Cần kiểm tra giữa gia đình, chính quyền xã và hộ ông cùng chăn nuôi bò để xác định việc chăn nuôi, làm nông nghiệp của ông Tin diễn ra liên tục tại địa phương mà không bị gián đoạn bởi việc đi biển" - luật sư cho hay.

img

30 triệu đồng là số  tiền công ty Dai - ichi hỗ trợ gia đình bà Thảo khi ông Tin qua đời

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, căn cứ vào xác nhận thay đổi nghề nghiệp của ông Lê Tấn Tin, sinh năm 1976 (trú tại xóm 4, Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) từ làm nông nghiệp sang đi biển, Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam từ chối trách nhiệm bồi thường hợp đồng khi ông Tin qua đời số tiền 350 triệu đồng, chỉ hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng.

Không đồng ý với cách giải quyết của công ty Dai – ichi, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, là vợ ông Lê Tấn Tin đã có đơn xin cứu xét gửi tới công ty Dai – ichi và tới báo Dân Việt.

Bà Thảo cho rằng ông Tin chỉ đi biển một chuyến duy nhất 20 ngày từ tháng 4.2018 để phụ giúp cho người bà con. Công việc chính của ông Tin từ trước đó đến khi qua đời vẫn là làm ruộng, chăn bò tại địa phương.

Sự việc này đã được cấp chính quyền xã Phổ Thạnh, công an xã, ban nhân dân thôn Long Thạnh I xác nhận. Đồng thời, ông Tin qua đời tại nhà là do bệnh tật, không liên quan đến việc đi biển vì thời gian đi biển một chuyến đã quá lâu.

Bên cạnh đó, công ty Dai – ichi căn cứ vào lời khai của bà mẹ gần 70 tuổi, vào chữ ký của bà Thảo xác nhận việc chồng đi biển khi bà còn đang đau buồn vì chồng vừa qua đời để từ chối bồi thường. 

Bà Thảo cho rằng việc này là không khách quan, không chính xác, cố tình “bẫy” khách hàng để từ chối trách nhiệm bồi thường.