“Ai kết luận, người đó phải giải trình trước toà”
Chiều 15.11, Quốc hội tiến hành Thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Phát biểu cuối buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hàng năm, cơ quan thuế kiểm tra 18-20% số lượng doanh nghiệp nhưng trên cơ sở phân tích và đánh giá các tiêu chí về rủi ro để lập kế hoạch thanh tra và kiểm tra, đã xử lý rất lớn. Ví dụ, năm 2017 qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý 55.000 tỷ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Ai kết luận thì người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa"
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chỉ ra một thực tế là khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tại cơ quan thuế, có đối chiếu với các doanh nghiệp thì phát sinh thêm số tăng thu cho ngân sách và trên cơ sở các dữ liệu về phân tích rủi ro của cơ quan thuế.
“Chúng tôi cơ bản đồng thuận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có những kết luận cơ quan thuế chấp hành rất nghiêm túc, thông báo cho người nộp thuế nộp thêm, nhưng người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng nên kiện. Kiện lần thứ nhất, cơ quan thuế là người ra quyết định thì phải xử lý. Họ không đồng ý, họ kiện lên cấp trên của cơ quan quản lý thuế là Bộ Tài chính xử lý. Nếu không chấp hành nữa thì đưa ra tòa. Chúng tôi đề nghị, ai kết luận thì người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vấn đề này sẽ tiếp tục được rà soát và tiếp thu theo hướng làm sao đảm bảo đúng Hiến pháp và đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Thanh tra, Luật kiểm toán, tạo thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm toán hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tránh chồng chéo và đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế cũng như đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý thuế thực hiện đúng pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh thất thu thuế 94% so với số đối chiếu
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ngay sau phát biểu này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: “Vừa rồi Bộ trưởng nói vì kiểm toán thực hiện việc đối chiếu thuế sai nên các đối tượng nộp thuế kiện liên lụy đến các cơ quan thuế. Tôi xin khẳng định với Bộ trưởng là tôi làm Tổng kiểm toán gần 3 năm chưa có một trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế do người nộp thuế kiện”.
Đồng thời, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu là hết sức lớn. Ví dụ, đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi thất thu thuế 94% so với số đối chiếu.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: "Tôi làm Tổng kiểm toán gần 3 năm chưa có một trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế do người nộp thuế kiện"
Ông Hồ Đức Phớc chia sẻ thêm, khi kiểm tra lại dữ liệu về vấn đề rủi ro, chính việc chọn rủi ro không chính xác nên nhiều doanh nghiệp sau khi nằm trong rủi ro nhưng không thu được thêm thuế, có nghĩa là việc chọn rủi ro không chính xác.
“Riêng việc kiểm toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm ngoái ngành thuế vi phạm hoàn thuế sai là 1.496 tỷ đồng. Chúng tôi vừa rồi kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh, những khoản chúng tôi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chính sách thu hút đầu tư chúng tôi bỏ ra, nhưng đã kiến nghị truy thu 1.749,5 tỷ đồng của kiểm toán ở Thành phố Hồ Chí Minh, truy thu lại là 2.959 tỷ đồng trong đợt này.
Trong đó, chúng tôi đối chiếu 4 quận ở Thành phố Hồ Chí Minh có 658 khu đất không lập bộ thu ở Quận 1. Chúng tôi kiến nghị, Chi cục Thuế Quận 1 lập tức đôn đốc thu và nộp vào 283,3 tỷ đồng, có giấy nộp tiền. Chúng tôi muốn nói về phía Kiểm toán nhà nước, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình khi được Quốc hội giao cho kiểm toán về hoạt động của cơ quan thuế, không những quản lý công, tài sản công mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thu thuế. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về kết luận của mình”, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Ông Hồ Đức Phớc chỉ ra một thực trạng, đó là đụng doanh nghiệp nào doanh nghiệp ấy cũng "giãy giụa", chẳng hạn Unilever vừa rồi kiện lên Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tài chính, Ngân sách và giao trở lại, đế giờ đã kiểm tra trở lại và xác định 584 tỷ đồng.
“Họ đề nghị được nộp nhưng không chịu phạt. Vấn đề có chịu phạt hay không là do Tổng cục thuế quyết định chứ chúng tôi không quyết định được”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc kết thúc ý kiến tranh luận.