Muốn ăn ngon phải giảm lương cơ bản?!
Sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) 9 tháng đầu năm, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) đánh giá chất lượng bữa ăn là vấn đề quan trọng, cần tăng cường giám sát và tuyên truyền để đảm bảo sức khỏe người lao động.
Ban ATTP của TP.HCM kiểm tra dư lượng thuốc BVTV ngay tại chợ cho người tiêu dùng. Ảnh: Thuận Hải
Báo cáo của Cục ATTP cho biết, tính đến hết tháng 10, đã có 99 doanh nghiệp bị xử phạt vì các hành vi nêu trên với số tiền gần 6 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng thu hồi hàng trăm giấy phép, chủ yếu do các vi phạm về quảng cáo trên website và mạng xã hội... |
Tính đến cuối tháng 10, cả nước có tổng cộng 91 ca ngộ độc ATTP. So với cùng kỳ năm 2017, số ca ngộ độc đã giảm 30%; số tử vong giảm 37%. Trong đó, các vụ ngộ độc của công nhân ở các khu công nghiệp vẫn là vấn đề được xã hội và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm.
Theo ông Phong có 3 nguyên nhân lớn dẫn đến hậu quả này là do khẩu phần ăn còn thấp; không tổ chức nấu nướng tại chỗ nên khó đảm bảo chất lượng; và điều kiện vệ sinh trong lúc chế biến, bảo quản. Suất ăn của công nhân được quy định bằng thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Định mức của một suất ăn là bao nhiêu thì nhà nước không can thiệp được.
Có nhà máy đặt suất ăn 25.000 đồng nhưng cũng có nơi chỉ 12.000 – 14.000 đồng/suất. Với giá cả thị trường như hiện nay, trừ thêm chi phí nhà thầu là người nấu ăn thì giá trị thực một bữa ăn công nhân còn rất thấp.
Ông Phong thừa nhận thực tế, muốn suất ăn đảm bảo chất lượng và đủ dinh dưỡng thì giảm lương cơ bản xuống. Còn muốn giữ nguyên mức lương lại vừa tăng khẩu phần thì chủ doanh nghiệp không đủ sức chi trả. Đây là mâu thuẫn giữa yêu cầu và thực tiễn.
Trong quá trình kiểm tra, 70% các ca ngộ độc ở các bếp ăn tập thể do nấu từ nơi khác rồi vận chuyển đến chứ không tổ chức nấu tại chỗ. “Tất nhiên không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp nhưng Cục đề nghị các doanh nghiệp cần nhận thức rõ sức khỏe và năng suất lao động là tài sản của nhà máy. Nhà máy vận động tổ chức nấu ăn được ngay tại chỗ là tốt nhất” - ông Phong nói.
Tăng cường giám sát quảng cáo
Để đảm bảo công tác quản lý vấn đề ATTP tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mới đây, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP chính thức có hiệu lực.
Đây là chính sách lớn của Chính phủ, tạo bước đột phá, thay đổi căn bản phương thức quản lý thực phẩm, tiếp cận phương thức quản lý của thế giới, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng tăng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với an toàn của thực phẩm do mình sản xuất.
Nghị định này đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất nhưng không buông lỏng công tác quản lý ATTP thông qua việc tăng cường hậu kiểm.
Bên cạnh đó, nghị định cũng thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm. Có đến 90% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo như quy định trước đây, chỉ tập trung nguồn lực tiền kiểm các sản phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp... Còn các sản phẩm khác (90%) chuyển sang quản lý theo phương thức hậu kiểm.
Dù vậy, theo Cục ATTP, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan chuyên môn và cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền các quy định về quảng cáo các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe.