Tháng 11.2011, GS Nguyễn Tấn Hùng (tên Anh là Hung Nguyen) lọt vào danh sách 4 người cuối cùng của bang New South Wales được đề cử cho giải Người Úc của năm 2012.
“Tôi rất ngạc nhiên khi biết mình được đề cử tranh giải Người Úc của năm vì chuyện này rất khó. Vài ngàn người được đề cử mà mình được vào danh sách 4 người cuối cùng ở bang New South Wales thì rất là hãnh diện”, GS Hùng chia sẻ với PV Thanh Niên qua thư điện tử. Ông Hùng, 59 tuổi, hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật và công nghệ thông tin của Đại học Công nghệ Sydney (UTS).
Xe lăn điều khiển bằng ý nghĩ
GS Hùng (ngồi) cùng các cộng sự và sản phẩm xe lăn thông minh Aviator - Ảnh: Commercialisationaustralia.gov.au |
GS Hùng cho Thanh Niên hay 2 nghiên cứu nổi bật của ông được công nhận và trao nhiều giải thưởng là hệ thống theo dõi đường huyết HypoMon và xe lăn thông minh Aviator.
Hệ thống HypoMon là một máy giám sát có bộ phận báo động, có thể giúp bệnh nhân phát hiện đường huyết giảm xuống mức nguy hiểm mà không cần phải lấy máu xét nghiệm. “Điều này có nghĩa bệnh nhân không cần phải thức dậy giữa khuya để kiểm tra đường máu”, ông Hùng nói. HypoMon đã được thương mại hóa bởi AIMEDICS, công ty vệ tinh của UTS. Hồi tháng 7.2011, sản phẩm này nhận được giải thưởng Thiết kế quốc tế Úc cho hạng mục y khoa và kỹ thuật. Cũng trong năm 2011, AIMEDICS nhận được hơn 1,9 triệu AUD từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ Úc để nghiên cứu thêm về HypoMon.
Nhưng thành tựu đáng ghi nhận nhất của GS Hùng là xe lăn thông minh Aviator, được điều khiển bằng suy nghĩ của người dùng. Theo đó, Aviator có hai điện cực có thể gắn vào đầu người ngồi để thu thập tín hiệu từ não rồi truyền thông tin xuống bộ phận điều khiển xe lăn. “Điều này rất có ích cho những người bị khuyết tật nặng”, GS Hùng nhận định.
Ông và các cộng sự tại UTS đã mất khoảng 10 năm để nghiên cứu Aviator. Năm 2010, chiếc xe giành được 2 giải thưởng Tech23, một giải về “phát minh thú vị nhất” và một giải về sản phẩm “có tiềm năng nhất cho việc mở rộng toàn cầu”. Vào tháng 5.2011, Aviator còn được tạp chí Anthill của Úc xếp thứ 3 trong 100 phát minh của nước này năm 2011.
Cuộc bình chọn được thực hiện bởi 100 chuyên gia kiểm tra những ý tưởng cải tiến có tính mới lạ và có tiềm năng thương mại cao, đáp ứng nhu cầu của một thị trường cụ thể. “Tôi quan tâm tới những kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ những người bệnh hoặc bị khuyết tật được độc lập nhiều hơn và công nghệ Aviator làm được điều đó”, ông Hùng chia sẻ.
GS Hùng cho biết thêm xe lăn thông minh Aviator chưa được đưa vào ứng dụng rộng rãi vì chi phí còn quá cao. “Chưa giới thiệu HypoMon và Aviator vào Việt Nam vì giá thành của 2 thiết bị này chưa phù hợp với người trong nước, phải đợi thêm vài năm nữa chờ giá xuống”.
Nhờ tò mò bẩm sinh
GS Hùng có kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, gồm kỹ thuật điện - điện tử, trí tuệ nhân tạo và khoa học thần kinh. Ngoài HypoMon và Aviator, ông còn nghiên cứu hệ thống phát hiện ung thư sớm và một thiết bị nhằm cảnh báo tài xế rơi vào trạng thái mệt mỏi khi lái xe đường dài.
Với những phát minh rất hữu ích cho cộng đồng, GS Hùng xứng đáng được tôn vinh. Sau khi ông được đề cử vào danh sách nói trên, phóng viên Laura Trieste của tờ Hill Shire Times ở Sydney viết: “Trong suốt 2 thập niên qua, GS Hùng đã có nhiều đóng góp cho ngành sản phẩm công nghệ y khoa. Ông nghiên cứu và cho ra đời những thứ mà hầu hết chúng ta không bao giờ mơ tới. Các phát minh này cực kỳ hữu ích cho những người gặp vấn đề sức khỏe”. Tuy nhiên, ông khiêm tốn nói với PV Thanh Niên: “Mấy nhà báo nói rất tốt cho tôi ở đây. Thật sự tôi thấy mình chưa xứng đáng với những gì mọi người nói”.
GS Hùng rời Việt Nam vào năm 1971 khi nhận học bổng ngành kỹ sư điện ở Úc, lấy bằng thạc sĩ năm 1977 và định cư ở nước này vào năm 1979. Đến năm 1980, ông nhận bằng tiến sĩ rồi đảm nhiệm cương vị PGS tại UTS từ 1989-2001. Năm 2001, ông trở thành GS và hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật và công nghệ thông tin của UTS.
Ông cho biết khó khăn lớn nhất khi học tập ở Úc là cải thiện khả năng tiếng Anh, vì trước đó ông học tiếng Pháp. “Để vượt qua khó khăn này, tôi luôn cố gắng nói chuyện bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt”, ông chia sẻ. Theo GS, tính tò mò, ham tìm hiểu bẩm sinh cùng nỗ lực không mệt mỏi là những lý do giúp ông thành công.
Tạo dựng được uy tín trong giới công nghệ và sản phẩm y khoa Úc, GS Hùng cũng luôn hướng tới các hoạt động giúp đào tạo nhân lực và phát triển các ngành liên quan ở quê nhà. Ông đã về Việt Nam nhiều lần để tuyển sinh viên sang học tại UTS và đang cộng tác với nhiều trường trong nước như Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TP.HCM.
GS Hùng cho biết ông không phải là người được chọn đại diện cho bang New South Wales để tranh giải Người Úc của năm 2012. Tuy nhiên, với những phát minh hiện nay và sắp tới luôn hướng tới phục vụ cộng đồng, ông được cho là một gương mặt sáng giá để dự tranh giải trong tương lai.