Cậu bé tí hon nhất Việt Nam cùng thầy Đặng Văn Cương.
Cả không gian của Lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17/11, lặng đi khi “cậu bé tí hon” Đinh Văn K'Rể, học sinh trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) xuất hiện trên sân khấu cùng người thầy, "người cha thứ hai" của em.
Đó là thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, Sơn Hà, Quảng Ngãi đã hồi sinh cậu bé tí hon nhất Việt Nam.
Kể về hành trình “hồi sinh” cậu bé mắc bệnh lạ với PV, thầy Cương kể, Đinh Văn K’Rể - học sinh đồng bào dân tộc H’Re mắc phải căn bệnh hiếm gặp mà trên thế giới đến nay mới ghi nhận chỉ có 7 trường hợp. Đến nay bé 10 tuổi nhưng chỉ nặng 3,9kg.
Năm 2016, trong một lần đi vận động học sinh đến trường lớp ở thôn Gò Da, thầy Cương phát hiện ra trường hợp K’Rể.
Nhìn thân hình bé tẹo teo, những bước đi khó nhọc của cậu bé tí hon đã đến tuổi đi học nhưng không được đến trường, thầy Cương xót xa và anh đã thuyết phục gia đình để được đưa cậu bé về trường.
“Lúc đó tôi hứa với gia đình sẽ tận tay chăm sóc, dạy dỗ cháu”, anh Cương nói.
Nhà K’Rể ở trên núi nên để đi đến trường phải mất 4 giờ đồng hồ nên em được gửi hẳn ở trường nội trú của trường. Từ đó thầy Đặng Văn Cương nhận K’Rể là con nuôi. Mọi sinh hoạt hằng ngày của K’Rể từ ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh… đều do một tay thầy cáng đáng. Hằng ngày, cậu bé ăn cùng, ngủ cùng thầy Cương và được thầy xem như con ruột của mình.
“Dù biết vất vả hơn nhưng mình thấy vui và hạnh phúc khi ở bên K’Rể”, thầy Cương chia sẻ.
Cậu bé tí hon nhất Việt Nam 10 tuổi chỉ nặng 3.9 kg.
Nhớ lại những ngày đầu gặp cậu bé tí hon, thầy Cương kể, bé K’Rể đi chân đất, mặc mỗi cái áo, không có ý thức đi vệ sinh và không biết làm gì cho bản thân cả.
Thầy Cương dẫn bé đi may 4 bộ quần áo, nhưng khó nhất là không có một đôi dép nào vừa chân K’Rể. Cuối cùng thầy Cương phải chở bé xuống Thành phố hơn 80 km, phải khó khăn lắm thợ mới đóng được đôi dép vừa chân K’Rể.
Đến nay, cậu bé tí hon đã ở bên thầy Đặng Văn Cương được 3 năm. Anh Cương cho biết, cậu bé tiến bộ nhiều. Giờ em đã biết tự cởi quần đi vệ sinh, tự mang dép, tự ăn cơm, nhưng vẫn cần có người hỗ trợ khi cần.
Đặc biệt, anh Cương chú trọng dạy các kỹ năng cho cậu bé như: Biết nhận quà bằng hai tay, biết ạ thay lời cảm ơn, biết bắt tay, chào tạm biệt…
Anh Cương cho biết, tuy có ngoại hình đặc biệt, nhưng K’Rể vẫn rất hiếu động, giờ ra chơi cậu cũng chạy nhảy theo chúng bạn để vui đùa và được các bạn cùng lớp bế đi khắp sân trường. Ngoài giờ học trên lớp, chiều về K’Rể thường “đi dạo” khắp khu nội trú, đá bóng nhựa, thả diều dưới sự trợ giúp của thầy Đặng Văn Cương.
Đến nay, đích thân thầy Cương đã dẫn K’Rễ ra BV Nhi Trung ương để thăm khám cho bé.
Để có các xét nghiệm, các bác sĩ phải lấy đủ 5 ống máu. Lúc đó, trò khóc, thầy khóc khi đến ống máu thứ 3 K'Rể gần như kiệt sức, thầy gạt nước mắt dỗ dành trò, kiên nhẫn để đến cuối ngày mới có trọn vẹn được 5 ống máu.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận, K’Rể mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là “người lùn, đầu chim” đây là hội chứng cực kỳ hiếm gặp trên thế giới khi chỉ có 8 người mắc phải.
“Bệnh của K’Rể đã tìm ra và tôi sẽ cố gắng chăm sóc cậu bé để kéo dài tuổi thọ được lâu nhất. K’Rể bằng tuổi con mình nên mình yêu quý cháu như chính con ruột của mình vậy ”, anh Cương chia sẻ.
Sắp tới ngày nhà giáo Việt Nam, thầy K’Rể cho biết, anh mong muốn các thầy cô có thêm nhiều sức khỏe, nghị lực để tiếp tục cuộc hành trình gieo chữ, gieo hy vọng, gieo niềm tin cho học sinh và truyền cảm hứng cho những lứa học trò.
Đích thân Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng trao còi, gậy ma-trắc cho em Đỗ Tuấn Dũng, bệnh nhi ung...