Đưa sản phẩm ra “biển lớn”
Được thành lập năm 2011, Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Gia Nam chuyên sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ bằng nhựa PP. Sản phẩm của cơ sở đa dạng về mẫu mã như: giỏ mây, khay tròn, khay vuông, khay chữ nhật... Các sản phẩm này đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về độ bền, mẫu mã đẹp, màu sắc phong phú phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Cơ sở Gia Nam đã tiếp cận được thị trường Mỹ.
Anh Ngô Khoa Nam (chủ Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Gia Nam) cho biết, hiện nay, các sản phẩm của cơ sở được xuất sang thị trường Mỹ thông qua các công ty ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Có được thành công như trên là chặng đường gian nan và đầy chông gai. Anh Nam cho biết, thời gian đầu làm ăn với các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, công việc sản xuất - kinh doanh của anh gặp nhiều khó khăn. Một phần là do thợ chưa lành nghề, nên sản phẩm làm ra thường bị lỗi, chi phí sản xuất tăng lên. Bên cạnh đó là số lượng hàng đặt còn hạn chế, chi phí vận chuyển cao nên cơ sở thường xuyên bị lỗ. “Ước tính mỗi tháng, cơ sở thua lỗ khoảng 4 triệu đồng, kéo dài cả năm trời” - anh Nam nói.
Khó khăn là vậy nhưng anh Nam vẫn không nản chí, mà lấy đó làm kinh nghiệm để sản xuất, làm động lực để vươn lên. Từ những đơn hàng chỉ khoảng 500 sản phẩm, đến nay, mỗi tháng cơ sở cho ra thị trường từ 5.000-10.000 sản phẩm lớn, nhỏ các loại. Sản phẩm được bán cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... sau đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Những yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài về chất lượng, mẫu mã đã được cơ sở đáp ứng. Thậm chí, hiện nay, sản phẩm của cơ sở làm ra không đủ để xuất khẩu.
Lập nghiệp tuổi 17
Thành công của anh Ngô Khoa Nam đã và đang trở thành tấm gương để nhiều người noi theo. Nhưng ít ai biết được rằng, năm nay, anh chỉ mới 24 tuổi. Anh Nam cho biết, năm 2011, nhận thấy sự khó khăn của việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, anh quyết định nghỉ học, học nghề để lo cho bản thân. Trong một dịp tình cờ, anh tiếp cận được nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng nhựa PP ở Long An.
Thấy đây là công việc mới, ở địa phương chưa ai làm nên anh xin học nghề tại đây. Sau 2 tháng theo học, nhận thấy tay nghề đã vững chắc nên anh quyết định về quê để phát triển nghề. “Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nếu nhìn vào thì khó, nhưng thực hiện khá đơn giản. Chỉ cần chịu khó quan sát, chú ý là có thể làm được trong 1 ngày”- anh Nam nói.
Một sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Gia Nam.
Khi đã thành lập cơ sở, anh Nam bắt đầu tính đến chuyện đầu ra cho sản phẩm. 17 tuổi, anh một mình lên Sài Gòn tìm đối tác làm ăn. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ bền chí và nâng cao chất lượng sản phẩm nên anh Nam đã tạo dựng được niềm tin với đối tác. Hiện nay, dù có hơn 100 lao động tham gia gia công nhưng Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Gia Nam vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Vì vậy, ngoài thuê lao động tại địa phương, cơ sở còn thuê lao động tại một số tỉnh như: TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An...
Chị Tuyết Mai, một trong những lao động động tham gia gia công cho biết, công việc gia công khá đơn giản, dễ làm, có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ông Nguyễn Văn Be, Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản ấp Long Hòa cho biết, mô hình sản xuất - kinh doanh của cơ sở Gia Nam đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nói về những dự định trong thời gian tới, anh Nam chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu của khách hàng nước ngoài đối với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ là rất lớn, trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp dạy nghề gia công sản phẩm. Một mặt là đáp ứng nhu cầu của thị trường và hơn hết là tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ, người già và trẻ em”.
“Anh Ngô Khoa Nam là một trong những tấm gương để các đoàn viên thanh niên ở địa phương noi theo. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Nam còn tích cực tham gia các phong trào do Đoàn thanh niên địa phương phát động” - Bí thư Chi đoàn xã Định Thành Trần Thị Ngọc Huyền đánh giá. |