Tôi có nhiều kỷ niệm liên quan đến kỳ tuyển sinh đại học. Cách đây ít năm, khi làm nhiệm vụ coi thi, tôi rất ấn tượng với một thí sinh, ngay sau khi nhận đề cậu ta đã cắm cúi viết lia lịa. Tôi đoán, hoặc là cậu ta "trúng tủ", hoặc cậu ta là một học sinh xuất sắc. Sau 2/3 thời gian, cậu ta nộp bài và ra về. Tò mò, tôi liếc qua bài thi của cậu ta và sốc, toàn bộ tờ giấy thi viết kín ca từ của mấy bài hát đang "hot" khi đó.
Ảnh minh họa.
Cũng năm đó, điểm coi thi của chúng tôi được thông báo có người đột nhập trái phép vào khu vực thi. Lực lượng chức năng không khó để tìm ra được kẻ liều lĩnh đó. Hóa ra đấy là một thí sinh không muốn thi đại học nhưng bố mẹ ép phải thi. Cậu ta được bố mẹ "áp tải' đến tận điểm thi. Ngay sau khi thoát khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ, cậu ta chui luôn vào toilet trong khu vực thi để chờ cho đến hết giờ.
Hai cậu học trò nói trên tiêu biểu cho không ít các học sinh Việt Nam hiện nay, khi họ nhọc nhằn cố học cho xong bậc THPT và miễn cưỡng tham dự kỳ thi đại học để hài lòng cha mẹ. Nhiều người trong số họ miễn cưỡng không hẳn vì học lực yếu mà vì họ có thiên hướng thực hành hơn là học lý thuyết. Họ muốn được học cao đẳng nghề hơn là vào một trường đại học nào đó. Số còn lại chọn cao đẳng như một giải pháp cuối cùng khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Nhưng hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam chỉ cho họ cơ hội thỏa nguyện đó sau khi tốt nghiệp THPT. Nghĩa là phải sau ít nhất 12 năm học (tương đương 18 tuổi), học sinh mới có cơ hội được vào học tại các trường cao đẳng đào tạo nghề nghiệp. Và cũng có nghĩa ít nhất 2 đến 3 năm sau đó họ mới bắt đầu cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Quá lâu đối với nhu cầu chỉ được ra làm nghề thông thường.
Nhìn sang quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất nhì thế giới như Singapore sẽ thấy, họ phân luồng giáo dục từ rất sớm. Theo đó ngay sau khi tốt nghiệp tiểu học, học sinh đã có 5 luồng chính để lựa chọn là THCS thông thường; THCS cấp tốc (rút ngắn so với THCS thông thường một năm); THCS kỹ thuật thông thường; trường kỹ thuật, đào tạo nghề và liên cấp: học tại THCS và trường dự bị.
Theo đó, nếu muốn học sinh hoàn toàn có thể theo học tại các trường THCS kỹ thuật thông thường, trường kỹ thuật, đào tạo nghề để sau tốt nghiệp có thể vào thẳng các trường cao đẳng. Sự phân luồng đã giúp quốc đảo Sư Tử có được nguồn nhân lực trẻ nhưng giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, có đam mê, có nhiệt huyết và định hướng nghề nghiệp ổn định.
Để tận dụng cơ hội mà mỗi quốc gia chỉ có duy nhất một lần với cơ cấu dân số vàng như hiện nay, tại sao Việt Nam không đi tắt, tức là cho học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển sinh vào học hệ cao đẳng để chúng ta có được nguồn nhân lực lành nghề trẻ, có trình độ, cơ hội cống hiến lâu dài?