"Gieo chữ” nơi “ốc đảo”
Băng qua con đường độc đạo giữa rừng, chúng tôi tìm về xã Kon Pne, huyện Kbang (Gia Lai). Phải mất gần một ngày trời trải qua quãng đường hơn 200km, băng qua những khúc cua uốn lượn và từng con dốc thẳng đứng bên vực, bên núi chúng tôi mới đến được đến “ốc đảo” Kon Pne.
Con đường đèo mà các thầy cô giáo phải băng qua để đến trường dạy chữ cho các em
Về thăm ngôi trường lọt thỏm giữa rừng núi, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne), chúng tôi thật sự khâm phục lòng nhiệt huyết của các thầy, cô giáo nơi đây. Cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của những người thầy giáo, những vất vả trên con đường đến trường dạy chữ cho các em vùng sâu. Càng khâm phục hơn ý chí kiên cường, nỗ lực vượt qua khó khăn của thầy cô khi dũng cảm vượt qua dòng nước lũ để bám bản “gieo chữ” cho các em trên “ốc đảo” này.
Những thầy cô giáo khi mới vào trường chỉ là cô, cậu thanh niên đôi mươi thấm thoát đã gần 40 tuổi
Với dáng người nhỏ nhắn, gầy gò chúng tôi không nghĩ rằng thầy Phạm Văn Hinh đã có chặng đường 16 năm vượt đường rừng vào “ốc đảo” Kon Pne dạy chữ cho các em.
Thầy Hinh kể lại: “Năm 21 tuổi, khi tôi vào “ốc đảo” này đang còn hoang vu lắm, toàn đồi núi cây cỏ thôi. Cả trường chỉ có khoảng 7 giáo viên và một thầy hiệu trưởng. Ngày đó đường sá không phải trải thảm bê tông như bây giờ mà toàn đường đất nên 1 tháng mới về nhà một lần, cứ 5h chiều đi thì phải 10h đêm mới về đến thị trấn Kbang.
Do ở giữa rừng có nhiều con suối cạn nên khi mưa đầu nguồn đổ về nước rất lớn, trong trường đã có một số giáo viên bị dòng nước cuốn đi…Trước đây, chúng tôi phải lội suối vào các điểm trường làng dạy học, nơi ở là phòng cũ của trạm y tế xã. Đến năm 2008 trường mới xây dựng và về ký túc xá của trường, mới đó thôi nay đã 16 năm rồi”.
Dạy học theo hình thức nội trú, ngoài việc học giúp các em linh hoạt và siêng năng hơn trong các công việc phụ
Xã Kon Pne là một “ốc đảo”, chỉ toàn là đồi núi, cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây biệt lập với thế giới bên ngoài. Đa phần dân cư ở đây là người dân tộc Barnar nên phụ huynh cũng ít quan tâm đến việc học của các con em mình.
Tuy nhiên, nhờ nỗ lực “bám bản” của các giáo viên trẻ, chỉ sau mấy năm “ốc đảo” này đã thoát khỏi “vùng trắng” của giáo dục. Đến năm 2015, sau khi trường xây dựng mô hình bán trú tại Kon Pne, thầy Hinh đã mạnh dạn đề xuất dạy theo hình thức nội trú. Phần để giữ học sinh, phần đưa các em vào môi trường giáo dục thay vì cuộc sống hoang dã nơi núi rừng.
Thầy Hinh khá chú trọng vào việc vận động các nguồn xã hội hóa để xây dựng sân chơi cho các em
Để có thực phẩm bổ sung vào bữa ăn cho các em, thầy Hinh đã cùng các thầy cô trong trường tự trồng rau, nuôi heo. Đặc biệt, mỗi tuần các thầy cô giáo lại cùng nhau ra huyện để vận động xin hỗ trợ quần áo, sách vở đưa vào cho các học sinh. Một trong những học sinh của trường thuộc hế hệ đầu tiên của thầy Hinh là anh A Kôl hiện đang làm bên đoàn của xã Kon Pne.
Bị lũ cuốn trôi khi băng rừng đi dạy
Thầy Lê Tiến Thể (40 tuổi,Phó hiệu trưởng Trường bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne) đã tình nguyện xin về “ốc đảo” Kon Pne công tác. Hơn 10 năm vượt chặng đường hơn 200km, băng rừng vào bản “gieo chữ” và đã có lần bị dòng nước lũ cuốn trôi, nhưng thầy Thể chưa một lần có suy nghĩ sẽ rời xa các em.
Thầy Phạm Văn Hinh, người đã có hơn 16 năm công tác tại trường
Thầy Thể bộc bạch: “Nhà tôi ở xã Ia Nhin cách trường hơn 200km nên chiều thứ 6 cuối tháng tôi mới trở về thăm gia đình. Như thường lệ, đến sáng chủ nhật là tôi lên xe trở lại trường, hôm ấy mưa to lắm nên khi đi đến con suối làng Kon Lốc, xã Đak Roong, huyện Kbang (Gia Lai) tôi bị lũ cuốn trôi.
May mắn lúc đó gặp được một số người dân đi làm rẫy về nên được cứu sống từ dòng nước lũ. Từ đó, mỗi khi đi qua dòng suối này tôi thường đi với các thầy cô để có gì còn tương trợ lẫn nhau”.
Người thầy hiệu phó từng bị lũ cuốn trôi khi đi dạy
Lòng nhiệt huyết và sự nỗ lực của các thầy cô giáo đã giúp Trường bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne vươn lên thành trường đạt chuẩn Quốc gia. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong hai trường điểm về mô hình bán trú vùng cao của huyện Kbang nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Lọt thỏm trong núi rừng, thế nhưng nhờ lòng nhiệt huyết và sự kiên trì các thầy cô đã giúp trường vươn lên thành trường đạt chuẩn Quốc gia
“Học sinh vùng cao khác với học sinh ở vùng đồng bằng, khi giáo viên vào bản dạy chữ phải hòa mình vào cuộc sống của buôn làng. Hồi đó phải mất cả tháng trời, dân làng mới tin chúng tôi và cho con em mình đến trường học chữ. Các em học sinh đến trường rất bỡ ngỡ, các kĩ năng sống hầu như các em không có. Từ việc ăn ở, sinh hoạt các thầy cô đều phải hướng dẫn cho các em lại từ đầu”, thầy thể cho biết thêm.
Tận dụng thời gian rảnh buổi tối, những giáo viên trẻ kèm cặp thêm cho các em học sinh nội trú
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Kbang cho biết: “Các trường trên địa bàn huyện, nhất là các trường bán trú giáo viên ở đây luôn tâm huyết trong sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao. Thầy cô giáo từ hiệu trưởng đến giáo viên bộ môn luôn tự huy động mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở vật chất cho các em học sinh.
Ngoài ra, các dịp lễ tết các giáo viên đều tổ chức giao lưu với phụ huynh, học sinh nhằm thắt chặt tình thầy trò nơi vùng cao. Những giáo viên ở các trường đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều giáo viên trường cách nhà hàng trăm cây số nhưng vì sự nghiệp giáo dục chung mà các thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để bám bản dạy chữ cho các em”.