Dân Việt

Cựu tướng bán cây cảnh thu tiền tỷ và chuyện kê khai tài sản không trung thực

Quốc Phong 21/11/2018 12:21 GMT+7
Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được thông qua, nhưng tới đây sẽ được thực thi, hiệu quả rồi sẽ thế nào, khi mà những câu chuyện cựu quan chức khai báo tài sản tạm gọi là "bất minh" khi bị thanh tra, khởi tố và cả khi đứng trước tòa, đều rất không ổn với lý do bán cây cảnh, buôn chổi đót...

Vài ngày nay, phiên toà tại tỉnh Phú Thọ xét xử 2 cựu tướng bảo kê cho nhóm tội phạm công nghệ cao, lợi dụng là "doanh nghiệp bình phong" của Tổng cục Cảnh sát (TCCS) để tổ chức đánh bạc trên mạng đã “lộ sáng” với nhiều góc khuất khiến những người theo dõi đều không khỏi bất ngờ.

Bất ngờ vì rất khó hình dung tại sao lại có những lỗ hổng chí mạng trong công tác nghiệp vụ đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội của một nhóm cán bộ có chức có quyền biến chất trong lực lượng cảnh sát đến vậy?

img

Ông Phan Văn Vĩnh tỏ ra ân hận tại phiên tòa.

Phiên tòa đã chứng kiến lời khai của những nhân vật chủ mưu lợi dụng hoạt động “nửa dơi, nửa chuột”, trong đó có “ông trùm” Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Công ty CNC cùng những giọt nước mắt của cựu tướng cảnh sát Phan Văn Vĩnh vốn lừng lẫy chiến công, một thời khiến giới giang hồ, xã hội đen khiếp vía. Ông Phan Văn Vĩnh đã tỏ ra ân hận trước một phiên toà chiếm nhiều kỷ lục vì có đến 92 bị cáo. Đằng sau đó là biết bao gia đình tán gia bại sản vì trò đỏ đen, mà tác nhân sâu xa phần nào do chính ông “góp gió”. Nó đã khiến tôi phải suy nghĩ và rất muốn được giải mã.

Cùng lúc ấy, trên nghị trường phiên bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 14, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bấm nút thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Nó càng khiến tôi băn khoăn khi tới đây, Luật sẽ được thực thi, hiệu quả rồi sẽ thế nào, khi mà những câu chuyện quan chức khai báo tài sản tạm gọi là "bất minh" khi bị thanh tra hoặc khởi tố điều tra và cả khi đứng trước toà, đều rất không ổn. 

Cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh khai rằng, việc ông trả lại 1,1 tỷ đồng cho Dương là trả tiền cho món quà Dương tặng (chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, nhưng ông Vĩnh lại trả cao gấp 7 lần giá trị chiếc đồng hồ) và số tiền đó là do bán cây cảnh quý trong vườn tại quê nhà, chứ không phải từ đồng lương khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng của lon tướng 2 sao.

Cũng tương tự là chuyện nguyên Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý  năm nào, khi ông ta khai nguồn gốc bất động sản, biệt phủ của mình là do có tiền tích lũy từ khi còn học đại học ở Hà Nội đã năng động, nghĩ ra chuyện buôn chổi đót và chạy xe ôm mà có cơ nghiệp như bây giờ...

Những lời khai nghe đã thấy bất hợp lý, nhưng cũng cho thấy việc áp khung hình của luật pháp để xử lý tội tham nhũng khi có tài sản bất minh cũng như để truy xét và kết luận vi phạm lại không hề dễ dàng chút nào.

Việc Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa rồi cũng không đơn giản như chúng ta nghĩ. Tôi xin lược trích: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này... Việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp, cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Kết quả thăm dò ý kiến các vị ĐBQH về nội dung này cho thấy, có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số ĐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến, chiếm 32,16% tổng số ĐBQH tán thành phương án thu thuế; 40 ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.

Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH.

Vì thế, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật mà vẫn thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.

img

Minh họa: Ngọc Diệp (Dân trí).

Và phải chăng vì thế, việc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức nhà nước hiện nay còn có những khoảng trống nhất định. Mới đây, theo một báo cáo của TP. Hà Nội, trong số 35.253 bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đã được công khai, thật bất ngờ khi chỉ 1 người bị kết luận kê khai không trung thực.

Xin quay trở lại chuyện cựu tướng Phan Văn Vĩnh đã chảy nước mắt ân hận tại phiên toà. Những giọt nước mắt ấy xem như là những ân hận muộn mằn rất có thể là thật lòng. Bởi lẽ với 45 năm trong ngành, từng chiến đấu chống tội phạm rất giỏi với rất nhiều giai thoại đáng nể, song có lẽ trong một lúc đơn giản, chủ quan, thậm chí không loại trừ tư tưởng sao lãng rèn luyện, để tư duy “hoàng hôn nhiệm kỳ" len lỏi khiến ông thiếu tỉnh táo và dẫn tới dính vòng lao lý?

Tôi có thể chia sẻ ít nhiều chuyện này, song lại hơi thất vọng khi ông đã thừa nhận cáo trạng nêu đúng những sai phạm, khuyết điểm ông phạm phải, nhưng vẫn chưa dũng cảm thừa nhận mình không dính dáng gì đến quyền lợi vật chất dù không hề đòi hỏi, như lời khai của Dương rằng anh ta tự nguyện đưa ông hàng tháng 200.000 USD. Theo lời khai, "ông trùm" Nguyễn Văn Dương đã đưa ông Vĩnh tổng cộng 27 tỷ đồng, trên 1,7 triệu USD, 1 chiếc đồng hồ Rolex 7.000 USD. Thế nhưng ông Vĩnh chỉ thừa nhận đã nhận 1 chiếc áo sơ mi cùng 1 hộp thuốc bổ gan (!!!).

Ông là người nắm chắc luật pháp, nên hiểu rằng nếu khai mình có nhận tiền, dù chỉ vài chục triệu hay một vài trăm triệu đồng để cho bọn tội phạm thu lời bất chính từ đánh bạc, thì khung hình phạt với ông sẽ khác, không dừng lại ở mức dự kiến như cáo trạng (cao nhất cũng chỉ 10 năm).

Người dân thường như tôi khi nghe ông khai vậy cũng thấy chưa thuyết phục, và chưa dũng cảm, như khí chất vốn là bản lĩnh thật sự nơi con người ông.

Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) rồi đây, trong một ngày không xa sẽ được thực thi. Chỉ qua vài ví dụ như vừa nêu đã cho thấy cuộc đấu tranh vẫn còn gian nan vô cùng nếu như luật ban hành nhưng vẫn chưa đủ đầy các điều khoản cần thiết để thu hồi tài sản của kẻ tham nhũng, của bọn tội phạm kiếm tiền bẩn... 

Gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quyết liệt đấu tranh, tẩy trừ những  tệ nạn, tiêu cực, tham nhũng... do lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà trở nên giàu có. Không ít cán bộ cấp cao đã vướng vòng lao lý. Điều này càng cho thấy Đảng ta đã tuyên chiến rất mạnh mẽ, quyết liệt và không có vùng cấm với bất cứ ai. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hy vọng có được một xã hội lành mạnh và một bộ máy trong sạch luôn hết lòng vì dân, vì nước...