Quân viễn chinh Anh thất bại trước thổ dân Maori trong trận đánh Gate Pā
Lịch sử thế giới hiện đại ghi nhận không ít trận đánh mà một bên chỉ với lực lượng ít ỏi, có thể làm nên điều không tưởng trước kẻ địch đông hơn gấp nhiều lần hay được vũ trang mạnh mẽ hơn. Loạt bài dài kỳ này sẽ viết về những trận đánh như vậy. |
235 chiến binh Maori chiến đấu trong một trận đánh không cân sức với gần 2.000 lính viễn chinh Anh với trang bị hiện đại gấp nhiều lần. Nhưng người Maori đã dạy cho đế quốc Anh một bài học về sự tự mãn và chứng minh rằng họ không dễ dàng chịu khuất phục.
Bối cảnh lịch sử
Thất bại muối mặt của người Anh nằm trong cuộc chiến tranh New Zealand giai đoạn 1845-1872, giữa chính phủ New Zealand do người Anh dựng nên và tộc người bản địa Maori.
Ở thời điểm cao trào, đế quốc Anh huy động 18.000 binh sĩ cùng kỵ binh, pháo binh và dân quân đối phương nhằm đè bẹp 4.000 chiến binh Maori.
Trận đánh Gate Pā ở Pukehinahina diễn ra vào ngày 29.4.1864 được coi là trận đánh lịch sử, khi người Maori với số lượng ít ỏi, đẩy lùi quân viễn chinh Anh.
Sử gia người Anh James Belich từng nói: “Đây là trận đánh quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh New Zealand”.
Từ đầu năm 1864, quân Anh bắt đầu đổ bộ lên phía bắc Te Papa. Người Maori coi đây là hành động xâm lược. Họ tập hợp các bộ lạc và thống nhất rằng phải chiến đấu đẩy lùi người Anh.
Người Maori sau đó khiêu khích quân Anh tấn công, nhưng lực lượng viễn chinh Anh khi đó vẫn án binh bất động. Các chiến binh Maori lựa chọn Pukehinahina làm nơi xây thành lũy, gia cố công sự để cản bước người Anh và gọi đây là Gate Pā.
Quá trình xây dựng bắt đầu từ ngày 3.4.1864 do kiến trúc sư của người Maori là Pene Taka Tuaia đề xuất. Pene được các sử gia sau này đánh giá là một bậc thầy sáng tạo trong lĩnh vực xây pháo đài.
Thổ dân Maori dù tthua trong cả cuộc chiến nhưng vẫn khiến người Anh phải nếm trái những thất bại muối mặt.
Người Maori khi đó đã biết cách đối phó với các công nghệ quân sự hiện đại, như pháo và rocket. Ngược lại, quân viễn chinh Anh tỏ ra chủ quan, không hề biết rằng Pukehinahina đã được gia cố.
Rāwiri Tuaia Puhirake thủ lĩnh của Maori sớm nhận ra rằng quân Anh án binh bất động là vì còn chờ viện binh. Tính đến cuối tháng 4.1864, 2.000 lính Anh có mặt cho trận chiến ở Pukehinahina.
Ngày 21.4.1864, tướng Alexander Cameron, người có kinh nghiệm đối phó với thổ dân Maori, lãnh trọng trách chỉ huy chiến dịch. Cameron ra lệnh bổ sung thêm hỏa lực bằng các khẩu pháo Armstrong và nhiều pháo cỡ nhỏ khác.
Đến ngày 28.4, quân Anh đã bao vây Gate Pā, đưa hàng loạt khẩu pháo vào tầm bắn. Không một lính Anh nào khi đó không tin vào chiến thắng toàn diện, bởi họ có lực lượng hùng hậu và được pháo binh yểm trợ.
Để đảm bảo chiến dịch thắng lợi, 730 binh sĩ Anh do Đại tá Greer chỉ huy vòng ra phía sau, cắt nguồn cấp lương thực, nước uống và đường thoát của chiến binh Maori.
Trận đánh không cân sức
Sáng sớm ngày 29.4, quân Anh mở chiến dịch tấn công bằng loạt đại bác kéo dài suốt 9 giờ đồng hồ, tức là đến 4 giờ chiều mới dứt. Lực lượng Maori phòng thủ ở Gate Pā chỉ có 235 người, bao gồm cả thủ lĩnh Rawiri Puhirake.
Ước tính quân Anh đã nã 30 tấn thuốc nổ vào cứ điểm phòng thủ của người Maori, khiến khoảng 15 chiến binh thiệt mạng. Nhưng người Maori không hề bắn trả để tướng Cameron tưởng rằng toàn bộ lực lượng trong pháo đài đã chết.
Sau trận mưa hỏa lực, tướng Cameron nghĩ rằng thổ dân Maori đã không còn sức chiến đấu. Ông ra lệnh cho các sỹ quan cùng binh sĩ tiến vào tiêu diệt những ổ kháng cự cuối cùng. Nhưng đó mới là lúc người Maori xuất trận, họ xông ra từ chiến hào, hầm ngầm nã đạn vào quân Anh.
Ước tính 31 binh sĩ Anh thiệt mạng ngay khi giao tranh trở nên dữ dội, bao gồm 10 sỹ quan và 80 người khác bị thương. Lính tiếp viện Anh xông vào pháo đài nhưng cũng chịu chung số phận vì các chiến binh Maori cứ thoát ẩn thoắt hiện, không biết đối phương khi nào xuất hiện.
Thổ dân Maori được coi là người bản địa ở New Zealand.
Không còn cách nào khác tướng Cameron buộc phải ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. “Đó là một thảm họa với người Anh nhưng là chiến tích lừng lẫy của tộc người Maori”, sử gia người Anh Alistair Matheson nói.
Đến đêm, vì cạn kiệt đạn dược và không đủ nhu yếu phẩm để cầm cự dài hơi, người Maori âm thầm rời pháo đài khi đã đạt được mục tiêu cầm chân quân Anh.
Họ mang theo tất cả những gì có thể, bao gồm cả vũ khí mà quân Anh bỏ lại. Các binh sĩ Anh bị thương khi đó không bị sát hại, thậm chí còn được cho nước uống trước khi người Maori rời đi.
Nằm trong số này có Trung tá Henry Booth, chỉ huy đơn vị tấn công pháo đài. Henry trúng đạn ở phần cột sống và không trụ được cho đến khi trời sáng.
Đến 5 giờ sáng ngày 30.4, quân Anh chuẩn bị tấn công đợt 2 thì phát hiện người Maori đã rời đi từ lâu. Các binh sĩ tiến vào pháo đài, thu thập xác đồng đội, người bị thương để đưa về hậu phương.
Tin tức về trận đánh Gate Pā tạo nên chấn động ở New Zealand và Anh. Bởi gần 2.000 lính viễn chinh Anh đã không thể đánh bại khoảng 230 chiến binh Maori.
Hai tháng sau, người Anh có màn trả thù ngọt ngào khi đánh bại người Maori trong trận Te Ranga, tiêu diệt thủ lĩnh Rawiri Puhirake.
Đến tháng 7.1864, người Maori đầu hàng, ký thỏa thuận hòa bình với chính quyền New Zealand. Thỏa thuận bao gồm điều khoản nhượng 117.000 hécta đất cho người Anh.
Tính đến năm 2017, có khoảng 700.000 người Maori sinh sống ở New Zealand, tương đương 15% dân số New Zeland, nhưng chỉ còn khoảng 3% trong số này là biết tiếng bản địa, còn lại là tiếng Anh.
__________________
120 lính biên phòng Ấn Độ phải đơn độc đương đầu với 2.000 quân Pakistan được hỗ trợ bởi bộ binh cơ giới, xe tăng trong cuộc chiến tranh biên giới 1971. Kết quả trận đánh này ra sao mời bạn đọc đón xem bài viết tới.
Trận đánh quyết định ở Stalingrad khiến 1,9 triệu người thiệt mạng trong Thế chiến 2 cho đến nay được ghi nhận là “địa...