Tuy giá khá cao, từ 350.000 - 400.000 đồng/kg đối với cua biển loại 1 (khoảng 500gram/con), 250.000 - 300.000 đồng/kg đối với cua biển loại 2 (300-400gram/con) và 150.000 - 200.000 đồng/kg đối với cua biển loại 3, nhưng thực khách từ khắp nơi vẫn ưa chuộng và muốn được một lần thưởng thức cua biển Quảng Yên.
Cua biển có mai màu xanh hay vàng nhạt, hai càng rất cứng.
Ngoài nguồn giống tự nhiên được lấy vào đầm theo thủy triều, cua biển Quảng Yên còn được các chủ đầm mua giống từ Hải Phòng, Ninh Thuận, và một số địa phương khác trên cả nước.
Đã có câu hỏi: Tuy con giống như nhau, cùng thuộc thị xã Quảng Yên, nhưng tại sao cua biển ở Liên Vị lại đặc biệt thơm ngon hơn?
Câu trả lời: Đó là bởi khu Đầm nhà Mạc qua xã Liên Vị rộng hàng trăm ha, là vùng đầm hai nước, vừa đón nhiều cửa sông chảy về, vừa tiếp giáp với vùng biển Cát Hải, Hải Phòng. Nhờ vậy, nguồn con giống cũng như nguồn thức ăn tự nhiên, các loại phù du sinh vật, các loại tảo biển ở khu vực Liên Vị vô cùng phong phú và đa dạng.
Với đặc điểm thuận lợi này, người dân nuôi cua biển theo hình thức quảng canh cải tiến (ít có tác động của con người, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, không có thức ăn công nghiệp, nuôi thả bằng thức ăn tự nhiên). Ngoài cua biển, người dân còn phát triển nuôi tôm, hàu, hà, ngán,... tuy “làm chơi” nhưng “ăn thật”.
Cua biển Quảng Yên được nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, ít có sự tác động của con người
Giới thiệu với PV Dân Việt, ông Lê Minh Phương - Phó chủ tịch xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên cho biết: Quảng Yên có hơn 30km bờ biển, trên 12.000ha đất bãi bồi cửa sông, ven biển, tập trung ở khu vực cửa sông Bạch Đằng như Đầm nhà Mạc, Cái Tráp, Đầm Soài và các xã Hà An, Tân An, Minh Thành, Hoàng Tân... Trong đó, xã Liên Vị có tổng diện tích đầm nuôi thủy sản đứng đầu thị xã, khoảng 2000ha. Trên địa bàn Liên Vị có 84 đầm, diện tích đầm lớn khoảng 70-80ha, diện tích đầm nhỏ khoảng 10ha. Người dân ở Liên Vị nuôi cua biển theo hình thức quảng canh cải tiến, kết hợp thiên nhiên với nuôi thả.
“Cua biển Liên Vị nổi tiếng xưa nay, chất lượng bậc nhất, bởi đây là vùng nước lợ, tôm cua cá lại hoàn toàn ăn thức ăn tự nhiên, không có thức ăn công nghiệp,” ông Lê Minh Phương tự hào giới thiệu.
Cua biển đi ăn vào buổi đêm nên người dân phải đặt lồng từ chiều tối và thu vào lúc 3-4 giờ sáng
Khoảng 6-7 giờ sáng, thương lái đã thu mua xong toàn bộ số cua biển thu hoạch được
Theo các chủ đầm tại khu vực Đầm nhà Mạc, xã Liên Vị, cua biển được nuôi trồng, thu hoạch quanh năm nhưng vụ chính xuống giống trong tháng 3,4. Cua biển bắt đầu cho thu hoạch rộ từ tháng 6, kéo dài đến tận tháng 10. Ngoài ra, cua biển được các thương lái xuống tận đầm thu mua hoặc đón tại bến, bãi, dù 1 tạ hay 1 tấn đều được thu mua “hết veo”.
Anh Lê Văn Chí, một chủ đầm 20ha tại khu vực Đầm nhà Mạc, xã Liên Vị chia sẻ: “Cua biển ở Quảng Yên được nuôi thả tự nhiên, khi chúng lớn bằng khoảng chiếc bát con, mật độ cua dày thì có thể cho ăn bổ sung 1-2 lần/tuần bằng con don, con dắt hoặc cá tạp. Đầm 20ha của tôi thường xuyên duy trì thả 5 vạn giống/lứa, nếu lứa đó may mắn, giống đậu nhiều thì mỗi lứa thu khoảng 150 triệu đồng.”
Khu đầm nhà Mạc (xã Liên Vị) là vùng 2 đầm nước nên chất lượng cua biển ngon hơn hẳn nhiều nơi khác
Còn bà Đỗ Thị Hẽm, một chủ đầm khác ở khu Đầm nhà Mạc cũng chia sẻ: “Ngoài Liên Vị, Hoàng Tân cũng có diện tích đầm nuôi lớn của Quảng Yên, nhưng nước ở Hoàng Tân mặn chát, bởi vậy con của biển của Hoàng Tân không ngon bằng cua biển ở Liên Vị. Nuôi cua biển, ngao, sò, tôm… này dễ lắm, không cần chăm nhiều. Thức ăn của chúng cũng không quá cầu kỳ, trừ tháng đầu tiên mới vãi giống xuống đầm, phải chăm bằng thức ăn công nghiệp, còn lại của biển chủ yếu ăn thức ăn phù du, hoàn toàn tự nhiên. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng bổ sung lượng thức ăn bằng cách cho ăn con don, con dắt. Để thu hoạch, chúng tôi phải đi rải lồng từ 5 - 6 giờ chiều, đợi đến 3-4 giờ sáng thì vớt lồng, được con nào thì trói con đó."
Ngoài cua biển, ngao, bề bề, ngán, tôm... của Quảng Yên cũng nổi tiếng
Theo báo cáo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước năm 2018 của UBND xã Liên Vị, diện tích nuôi trồng thủy sản của Liên Vị gần 2000ha, số lượng giống thả tôm sú 95 triệu con, bằng 110,4% kế hoạch, tăng 9,8% cùng kỳ, cua biển thả 8,5 triệu con, bằng 121,4% kế hoạch, tăng 13% cùng kỳ; sản lượng ước đạt 1.936 tấn, đạt 97,8% kế hoạch (trong đó khai thác là 1036 tấn, nuôi trồng 900 tấn. Gía trị ước đạt 63,6 tỷ, chiếm 48,3% tỷ trọng ngành nông nghiệp. |