Dân Việt

Lạng Sơn: Chuyện ly kỳ về người đàn bà "tài côn, mũ tướng, áo thầy"

Chang Liễu 26/11/2018 13:05 GMT+7
Dù đã 62 tuổi nhưng bà Lê Thị Văn (thôn Xa Đán, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) vẫn ngày ngày cần mẫn, đôi tay thoăn thoắt từng đường kim mũi chỉ để làm ra những sản phẩm độc đáo phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng. Xung quanh việc làm những đồ lễ này của bà Văn có nhiều điều thú vị...

PV Dân Việt đến nhà bà Lê Thị Văn trong một ngày đông đầy nắng khi bà đang miệt mài với từng nét thêu, từng hình thù trên các bộ trang phục, tài côn và mũ tướng cho các thầy Tào, bà then. Bà biết làm nghề này từ thời còn con gái, nhưng hồi đó bà chỉ làm mũ cho trẻ con là nhiều.

Bà Văn làm nghề này như là “cái nghiệp”, là cái duyên, cái số, “cái căn” vận vào người. Không ai dạy, không một trường lớp, nhưng hơn 40 năm nay đôi tay người phụ nữ này vẫn thoăn thoắt chuẩn từng đường kim mũi chỉ, làm ra hàng trăm sản phẩm phục vụ hoạt động tín ngưỡng độc đáo.

img

Trong bộ trang phục vải chàm của người Nùng, bà Văn cần mẫn với từng đường kim mũi chỉ.

Trước đây, bà Văn sống ở xã Y Tịch, huyện Chi Lăng. Năm 19 tuổi, bà lấy chồng và về sống ở thôn Xa Đán, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng. Chính tại đây mọi người xa gần bắt đầu biết đến bà Văn làm tài côn, mũ then và trang phục cấp sắc của thầy Tào (thầy mo), bà Then…Theo bà Văn thì “tài côn” chính là khăn vấn trên đầu của thầy Tào thêu nhiều hình thù với màu sắc sặc sỡ, mũ then là khăn đội đầu của bà then khi đi làm lễ. Bà còn làm cả áo thầy, mũ thầy Tào đi làm lễ tại các đám ma chay.

“Chẳng ai dạy, cũng chẳng ai chỉ phải làm như nào, trong các buổi làm lễ của các thầy tào, bà then, tôi để ý những hình thù độc đáo đó trên mũ và áo, về nhà tôi ngẫm lại rồi tự vẽ ra. Ban đầu các hình thù cũng không giống bản gốc hoàn toàn nhưng lâu dần đến giờ tôi chẳng còn phải vẽ nữa mà sẽ thêu luôn. Rồi từ đó, những người cần dùng các sản phẩm này từ Lạng Sơn đến khắp các tỉnh Nam Bắc đều gọi điện hoặc nhờ người đến tìm tôi nhờ làm..."

img

Bà Văn giới thiệu về những hình thù độc đáo trên chiếc áo của thầy Tào được sử dụng trong các hoạt động ma chay tín nguỡng.

img

Những hình thù trên áo, trên mũ đều mang những ý nghĩa riêng.

Tính đến nay, bà Văn đã có hơn 40 năm làm nghề đặc biệt này. Bà cũng không nhớ nổi đã làm bao nhiêu tài côn, mũ tướng, chỉ nhớ rằng riêng áo cho thầy Tào thì chắc làm được hơn chục cái. Theo bà Văn, việc may thêu những sản phẩm này không đơn giản, bởi trên những sản phẩm này có nhiều nhiều họa tiết, hình thù đặc biệt khác nhau, biểu trưng những ý nghĩa khác nhau.  

Trang phục cấp sắc của người Nùng thì có nhiều loại, cùng là dân tộc Nùng nhưng lại phân thành Nùng Inh, Nùng Phàn Sình. Ví dụ như người Nùng Inh thì sau áo thêu 32 hình người, trên áo cũng có thêm 3 hình đầu người thân chim, hình rồng, cá, bình rượu, con ngựa…; Còn riêng áo thầy Tào người Tày cũng rất đa dạng, tùy từng nơi mà thêu áo khác nhau.

img

Dù đã ngoài 60 nhưng bà cho biết mắt bà như ngày càng sáng hơn, bà có thể luồn kim và thêu vào ban đêm.

Bà Văn cho biết: Không phải bà mê tín nhưng nghề bà làm có liên quan đến yếu tố tâm linh. “Trước mới về đây làm dâu, do công việc đồng áng cộng với chăm con nhỏ nên tôi không có thời gian làm tiếp nghề. Nhưng lạ lùng là thời gian đó tôi liên tục bị ốm, hay đau đầu mà thuốc thang mãi cũng không đỡ. Sau này tôi mới nghiệm ra là bản thân “có căn”, có duyên, có số gắn với nghề này. Khi quay lại làm thì sức khỏe tôi lại tốt lên, không còn ốm đau nhiều”, bà kể.

Bà cũng cho biết, những khách hàng đặt làm với bà khi đến nhà lấy phải mang theo đồ cúng như gà hoặc thịt lợn, chút hoa quả… để bà đặt lên bàn thờ báo cáo tổ tiên. “Phải có đồ để thắp hương báo cáo gia tiên nếu không có sẽ bị quở trách, bị phạt”, bà lý giải.

“Tháng trước, một bà then ở thành phố Lạng Sơn có đặt tôi làm 1 mũ then. Do tiện đường nên tôi đã cầm từ nhà lên cho. Từ hôm đó tới giờ tôi liên tục bị đau tay, dù có bôi thuốc gì cũng không khỏi, việc này nói ra thì đúng là khó hiểu và khoa học chắc cũng khó giải thích, nên vậy mới nói nó liên quan đến vấn đề tâm linh”, bà Văn nói.

img

Hơn 40 năm làm nghề đặc biệt này, bà chẳng cần phải vẽ theo hình mẫu nữa mà sẽ thêu trực tiếp luôn.

img

Những sản phẩm này được bà tỉ mẩn thêu với những hình thù và hoa văn độc đáo.

“Nhiều người nói không phải ai cũng làm được, mà làm mất hơn 2 tháng mới xong sao không lấy 8-10 triệu đồng tiền công. Nhưng tôi cũng nói tôi chỉ lấy đúng tiền công, tiền vải vóc và chỉ thêu thôi, chỉ mong Thánh ban sức khỏe tốt để được làm tiếp cái nghề, cái nghiệp đặc biệt này”.

Bà tâm sự: Những sản phẩm bà làm ra đều là để phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh nên bà không đặt nặng vấn đề kinh tế. Bà làm là cầu có sức khỏe tốt, tích đức, mong Thánh ban phước nên vấn đề tiền nong bà cũng chỉ lấy đúng tiền công cho những sản phẩm bà làm ra.

Một bộ áo thầy tào làm lễ trong các đám ma bà Văn phải làm liên tục trong hơn 2 tháng mới xong. “Ngày xưa người ta trả 500- 600 nghìn tiền công, giờ tôi được trả 5 triệu  đồng tiền công cho mỗi bộ áo thầy.  Riêng mũ và tài côn tôi xin thêm 300.000 - 400.000 đồng tiền công vì để làm ra nó cũng mất rất  nhiều thời gian,” bà nói.