Tăng cường “chăng lưới”
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế đã thành lập 12 đoàn kiểm tra liên ngành tại 21 tỉnh, thành phố trọng điểm bắt đầu từ tháng 12.2011. Bộ Y tế và Cục ATVSTP cũng chỉ đạo các địa phương tiến hành thanh, kiểm tra ATVSTP từ cấp tỉnh đến quận, huyện, xã, phường.
Nhóm hàng thực phẩm đã và đang được kiểm tra trong tháng giáp Tết. |
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cũng vào cuộc, tăng cường thanh, kiểm tra hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Sau gần 1 tháng triển khai, đã có nhiều sai phạm được phát hiện như: Thu giữ 23 tấn chân bò bốc mùi hôi thối tại Hà Nội; chả bẩn tại Bình Định; thịt gà có chứa phẩm màu dùng trong sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc và cao su ở TP.HCM; thu giữ 2 tấn thịt lợn thối...
Mới đây nhất, tại Hải Dương, thanh tra liên ngành đã kiểm tra và thu giữ 6 bao ớt bột (khoảng 300kg) được xác định có nhiễm RhodamineB và 234 bao ớt bột khác được sản xuất trong điều kiện không bảo đảm ATVSTP của riêng một hộ sản xuất ớt bột.
Bà Phạm Thị Ngọc – Phó Chánh thanh tra Cục ATVSTP cho biết: Đáng chú ý là hộ sản xuất ớt bột này đã sản xuất trong nhiều năm với quy mô lớn nhưng chưa làm bất cứ thủ tục pháp lý nào (không giấy phép sản xuất, không giấy chứng nhận ATVSTP). Họ cho biết, chưa được cán bộ, ban ngành nào yêu cầu phải thực hiện các thủ tục như vậy, cũng chẳng kiểm tra ATVSTP.
Theo ông Phong, năm nay điểm nhấn đặc biệt là sẽ công bố các cơ sở sai phạm để người tiêu dùng biết và “tẩy chay” sản phẩm. Tới thời điểm này, Cục đã công khai 170 sản phẩm sai phạm. Đầu năm 2012 cũng đã có 25 cơ sở được “nêu tên”. “Đây là một “cái roi” hữu hiệu khiến doanh nghiệp sợ hơn phạt tiền” – ông Phong cho biết.
Khó xử lý sai phạm
Tuy nhiên, tại nhiều chợ quê, công tác kiểm tra vẫn “giậm chân tại chỗ”. Chợ Giang (Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) họp 24/24 giờ. Hàng hóa chủ yếu của chợ là sản phẩm thuần nông nhưng lại là của Trung Quốc.
Thị trấn Thổ Tang có hơn 500 hộ kinh doanh, chuyên nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc như rau, củ quả, đặc biệt là cà chua, lê, táo, cà rốt, khoai môn, hồng, lựu, nho xanh. Chị Nguyễn Tiểu Hồng - một tiểu thương ở đây cho biết, mỗi ngày bán được trên 10 tấn hồng, lê, táo.
Các loại hoa quả này đều được thu gom tại các chợ khu vực biên giới với Trung Quốc như Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn. Các hàng nông sản đều được đóng trong bao tải hoặc các thùng các tông, toàn bộ bằng chữ Trung Quốc. Theo quy định về nhãn mác hàng nước ngoài phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, ghi rõ tên xuất xứ, hạn dùng, nguyên liệu… thì hầu hết các sản phẩm này đều vi phạm.
Chị Hồng cho biết, chưa bao giờ bị ai hỏi han, yêu cầu cung cấp xuất xứ hàng hóa hay chứng minh chất lượng của sản phẩm. Tại chợ này, Đoàn thanh tra số 1 đã kiểm tra, nhưng những vi phạm về nhãn mác lại không thuộc quyền xử lý của thanh tra y tế. Còn việc kiểm tra xem có ATVSTP hay không thì lại cần có sự phối hợp của Sở Y tế nên nhiều khi thấy vi phạm mười mươi mà đoàn không xử lý được.
Diệu Linh – Huệ Bạch