Dân Việt

Chợ lao động ở làng tỷ phú

05/01/2012 19:24 GMT+7
(Dân Việt) - Giáp Tết, làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) hình thành hẳn một cái chợ lao động để phục vụ nhịp làm ăn hối hả cuối năm.

7 giờ sáng, cái lạnh còn buốt giá cả không gian mà chợ đã họp đông đúc. Một người phụ nữ phóng xe tới chỗ đám người đông nhất: “Tôi cần 2 thợ xây tường rào, mấy anh này biết xây không?” - “Có, làm gì cũng được hết” - “Công 180 nghìn nhé” - “200 chị ơi” – “Được rồi, hai anh đi theo tôi”.

Hai anh thợ lên 2 chiếc xe máy cà tàng của mình, theo sau xe người phụ nữ, để lại sau lưng vài tiếng xì xầm, xuýt xoa của những người ở lại tiếp tục chờ.

img
Người lao động nhấp nhổm chờ việc.

Chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi) ở Hiệp Hòa, Bắc Giang cho biết: Ở đây mọi người nhận làm hết mọi việc từ đánh giấy ráp, cửu vạn, dọn nhà, tỉa cây, dọn cỏ, xây trát… Mỗi việc mỗi giá và tùy vào cuộc thương lượng giữa chủ và người lao động. Chị cũng cho biết thêm, phụ nữ, con gái thì hay nhận được việc đánh giấy ráp hay dọn nhà. Đánh giấy ráp mà đánh tay thì 90- 100 nghìn đồng/công, còn đánh giấy ráp quay tay thì cao hơn, khoảng 140-160 nghìn đồng/công. Hầu hết lao động ở đây đều... thích làm việc nặng mà nhiều tiền công, chứ không thích làm việc nhẹ mà ít tiền.

Đứng ở xa xa, không phải điểm trung tâm để đón việc là một nhóm các em gái mới khoảng 17 – 18 tuổi, các em cũng không dám nhao ra hỏi việc và mặc cả. Em Lê Thị Nguyên (17 tuổi) quê ở Việt Yên, Bắc Giang chia sẻ: “Em học hết cấp II thì nghỉ học, làm may thuê chỉ được 50 nghìn đồng/ngày. Làm ở đây hơn làm may nên em xin đi cùng các cô để kiếm tiền phụ giúp gia đình”.

Hầu hết lao động ở đây là ở các tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên… Những người đàn ông thì trụ việc thường xuyên hơn, còn đám phụ nữ thì làm theo mùa vụ. Vào vụ cấy gặt đám con gái, phụ nữ ở chợ vắng vẻ hơn. Những ngày giáp Tết này, họ lại đổ về Đồng Kỵ tìm việc. Do vậy có ngày cao điểm cả chợ có đến hàng trăm lượt người đứng chờ việc. Trừ tiền ăn, ở trọ, mỗi tháng họ cũng gửi về cho gia đình 2-3 triệu đồng.