Dân Việt

Địa chỉ xanh- Nông sản sạch: "Thủ phủ" cam Cao Phong: Chỉ sản phẩm sạch mới dễ bán, được giá...

Thuần Việt 27/11/2018 05:50 GMT+7
So với các xã khác của thủ phủ cam Cao Phong, xã Nam Phong phát triển cây có múi muộn hơn. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại xác định phương châm ngay từ đầu là phải sản xuất sạch, cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường. Quyết tâm ấy của nông dân Cao Phong đang được củng cố hơn với sự hỗ trợ của một dự án từ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.

Mới đây, tại xã Nam Phong, Hội Nông dân (ND) huyện Cao Phong đã triển khai chương trình Tuyên truyền mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất cam Cao Phong theo hướng an toàn sinh học.

Sản phẩm sạch sẽ dễ bán, được giá...

Gia đình anh Bùi Văn Phong ở xóm Ong, xã Nam Phong có khoảng 3ha cam, trong đó 2ha cam muộn (cam Valencia) trồng xen cam Canh của anh đã cho thu hoạch. Năm nay, cây nào trong vườn cũng xanh tốt và sạch bệnh, được anh Phong trồng ngay hàng, thẳng lối trông thật đẹp mắt. Đáng chú ý, vườn cam của anh Phong còn đang trồng theo quy trình VietGAP.

img

Anh Bùi Văn Phong kỳ vọng vườn cam của gia đình tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sẽ giúp nâng cao hiệu quả, giá trị. Ảnh: T.V

"Được sự hỗ trợ kịp thời từ T.Ư Hội ND và Hội ND huyện, xã nên các hộ dân đã dần thay đổi được nhận thức về cách chăm sóc cây cam theo hướng sạch hơn và an toàn hơn”.

Ông Bùi Xuân Tươi

So với các hộ trồng cam khác, gia đình anh Phong thuộc diện chịu khó đầu tư và anh không dùng thuốc hóa học để phun cho cây. Trao đổi với phóng viên về quy trình chăm sóc vườn cam, anh Phong tự hào cho hay: “Gia đình tôi là hộ tiên phong ở xã này trong việc ủ phân chuồng ủ cùng chế phẩm sinh học rồi mới bón cho cây. Cách này tôi được Hội ND huyện về tận vườn tập huấn cho đấy. Nhờ đó mà cây cối trong vườn rất khỏe”.

Dự kiến, vụ cam năm nay anh Phong thu được 40 tấn. So với những năm trước đây, việc chăm bón vườn cam của anh được sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời từ Hội ND huyện Cao Phong theo mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất cam Cao Phong theo hướng an toàn sinh học. Anh Phong làm theo đúng quy trình mà các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. “Tôi quyết tâm sản xuất sạch, an toàn vì sản phẩm làm ra rất dễ bán và được giá” - anh Phong cho biết thêm.

Không riêng gì anh Phong, dự án của T.Ư Hội ND Việt Nam triển khai về xã Nam Phong thông qua Hội ND tỉnh Hòa Bình và Hội ND xã Cao Phong cũng đang được 15 hộ dân khác nhiệt tình hưởng ứng và tích cực triển khai. Như gia đình anh Bùi Thanh Danh, chị Phạm Thị Quế, chị Bùi Thị Thanh… đã được cán bộ Hội ND tập huấn chung, sau đó đến tận vườn hướng dẫn cách ủ phân chuồng theo hướng vi sinh. Từ cách làm hiệu quả của các hộ dân này sẽ như mạch nước ngầm lan tỏa ra các hộ dân trồng cam khác của xã Nam Phong.

Cần nhân rộng mô hình

Theo ông Cao Giang Nam - Chủ tịch Hội ND xã Nam Phong, thường thì sau mỗi kỳ thu hoạch cam, bà con trồng cam đã mua phân gà về để bón lót cho cây trồng. Nhiều hộ ngay sau khi xuống phân đã vội rải ra gốc cây mà không lường trước hậu quả về sau. Các địa bàn trọng điểm trồng cam đã từng xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, thiệt hại về cây trồng do bón phân gà tươi...

Khi được T.Ư Hội ND Việt Nam và Hội ND huyện Cao Phong triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất cam Cao Phong theo hướng an toàn sinh học, Hội ND huyện Cao Phong đã lập tức vào cuộc triển khai chương trình. Theo ông Nam, với mục tiêu và hoạt động của mô hình này sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, giúp xây dựng và phát triển vùng sản xuất cây ăn quả có múi trên địa bàn ổn định, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các cán bộ kỹ thuật đã xuống tận vườn để tập huấn, tuyên truyền, khuyến cáo, nhắc nhở về việc không sử dụng phân gà tươi chưa qua xử lý bón cho cây trồng. Trong đó, nhấn mạnh những tác hại của việc sử dụng phân chuồng tươi, phân gà chưa qua xử lý để bón cho cây trồng gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người, cây trồng, vật nuôi, ô nhiễm môi trường… Đồng thời các cán bộ hướng dẫn sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ đúng cách và hiệu quả để cây trồng hấp thụ tốt, cho sản phẩm an toàn.

Ông Bùi Xuân Tươi - Chủ tịch UBND xã Nam Phong cũng là một trong những hộ tham gia trồng cam với 350 cây, cho hay: Đến nay, toàn xã đã trồng được trên 100ha cam, trong đó 50ha đã cho thu hoạch. So với các cây trồng khác, cây cam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong những năm vừa qua, bà con trồng cam luôn tuân thủ đúng quy trình chăm sóc cây để cam ngọt, ngon, hạn chế được dịch bệnh, dễ tiêu thụ với giá có lợi...