Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Thưa ông, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Chăn nuôi, ông có thể nói rõ thêm về những điểm mấu chốt, đáng chú ý nhất của Luật này?
- Đây là luật thứ 4 của ngành nông nghiệp được Quốc hội thông qua sau hơn 2 năm làm việc rất tích cực và quyết liệt. Cùng với các luật về Trồng trọt, Thủy sản, Lâm nghiệp, Luật Chăn nuôi sẽ tạo môi trường pháp lý thúc đẩy phát triển theo chuỗi ngành hàng, khẳng định chăn nuôi là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng.
Cơ cấu của Luật có 8 chương với 83 điều, xuyên suốt từ giải thích từ ngữ, cơ chế chính sách, giống, thức ăn, điều kiện chăn nuôi, chăn nuôi động vật khác, giết mổ, thị trường… Những quy định đều rất thông thoáng, có lĩnh vực phải kiểm soát chặt chẽ, có cái phải hậu kiểm.
Ví dụ, không chỉ công nhận giống mà công nhận cả dòng, và chỉ giống mới phải mang đi khảo nghiệm, còn những sản phẩm của đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước không phải khảo nghiệm nữa. Giá trị của dòng giống cũng không có giới hạn bao nhiêu năm. Các thủ tục hành chính công nhận dòng giống, cơ sở sản xuất đã giảm đi rất nhiều.
Về thức ăn chăn nuôi, các loại thức ăn truyền thống, tự trộn, đặt hàng và thức ăn thương mại (xuất khẩu, nhập khẩu) đều được quy định chặt chẽ. Riêng phần thức ăn bổ sung chiếm 5% thì phải kiểm soát chặt, phần nguyên liệu chiếm 95% thì tăng cường hậu kiểm.
Điều kiện sản xuất thức ăn, ngoài quy định ở Điều 38 còn có quy định chi tiết giao Chính phủ ra nghị định để làm sao cơ sở sản xuất thức ăn phải đảm bảo yêu cầu, tránh tình trạng sản xuất thức ăn kiểu “cuốc xẻng”.
Một cái mới nữa là quy định đối xử nhân đạo với động vật. Với Việt Nam là mới nhưng trên thế giới đã thực hiện khá rộng rãi, ta cần học tập để phù hợp với xu thế hội nhập. Theo đó, việc đối xử nhân đạo với động vật trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển đều được quy định rõ.
Về việc di dời các cơ sở chăn nuôi, phần thuộc khu vực cấm sau 5 năm phải hạn chế và di dời, còn những nơi không đảm bảo về khoảng cách, không có giải pháp về mặt công nghệ thì phải giảm quy mô, hoặc di dời.
Công nhân giết mổ lợn trong nhà máy Biển Đông DHS tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Ảnh: M.H
Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Luật này đối với quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp?
- Chăn nuôi hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp và liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, khoảng 4-6%/năm; giá trị ngành chăn nuôi khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm 5-6% GDP của cả nước. Trung bình mỗi năm, nước ta sản xuất khoảng 5,4 triệu tấn thịt, 10 tỷ quả trứng, 9.000 tấn sữa. Tính bình quân đầu người thì tương đối cao, nhưng thực tế ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế do quy mô nhỏ lẻ, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng còn khiêm tốn.
Tin rằng khi luật ra đời, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ngày càng nhiều của DN thì tỷ trọng của ngành sẽ có sự dịch chuyển, chất lượng sản phẩm được nâng lên, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đi. Chuỗi chăn nuôi sẽ dần đáp ứng được các thị trường xuất khẩu có tiềm năng.
Hiện, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành chăn nuôi có sự chuyển dịch rất tích cực gắn với tái cơ cấu, ví dụ như vừa qua tại Nam Định đã khánh thành nhà máy giết mổ lợn Biển Đông DHS có quy mô lớn nhất miền Bắc, sắp tới là nhà máy giết mổ của Masan ở Hà Nam, rồi nhà máy của C.P; một số nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu ở phía Nam…
Như ông vừa nói, chăn nuôi của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu có quy mô nông hộ, trong khi chỉ còn hơn 1 năm nữa Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực (ngày 1.1.2019). Liệu những hộ chăn nuôi có đủ thời gian để thích nghi được với các quy định mới trong luật?
- Khi thiết kế luật, chúng ta đều phải tính đến thời kỳ quá độ. Thực tế là số lượng hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đang còn rất nhiều, sinh kế của bà con dựa cả vào đó. Những quy định của chúng ta mang tính chất định hướng, còn các yếu tố thị trường, DN, Nhà nước, cơ chế chính sách vẫn phải có bước đệm để họ dần chuyển đổi. Do đó khi luật ra đời chăn nuôi nông hộ chưa bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, nông hộ cũng đang có sự thay đổi tích cực trong việc tiếp cận công nghệ kỹ thuật mới, giống, quy mô để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là tín hiệu tốt để luật đi vào thực tiễn.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng chính sách điều hành ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, hiện nay vẫn đang chạy theo thị trường nên thường lúng túng khi thị trường có biến động. Vậy luật mới ra đời có giải quyết được hạn chế này?
- Luật có một điều quy định về thị trường, đó là giao Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương có dự báo hàng năm, có thông tin thị trường hàng tháng. Một bài học kinh nghiệm trong thời gian qua là sức sản xuất của nông nghiệp nước ta rất lớn, nhưng dự báo cung cầu chưa sát, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới, khi các cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ không cho xuất khẩu lợn sống thì diễn ra 1 sự ngưng trệ tại thị trường trong nước, khiến giá giảm sâu.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, ngoài việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác, 2 Bộ sẽ có dự báo để người chăn nuôi căn cứ vào đó có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Tuy nhiên, thời gian qua, vai trò của 2 Bộ trong việc điều tiết thị trường chưa thể hiện rõ lắm, thậm chí là bị động? Chúng ta có công cụ nào giám sát để biết rằng, 2 Bộ đang phối hợp tốt nhằm hạn chế tình trạng khủng hoảng giá của một số loại nông sản, thưa ông?
- Không phải 2 Bộ không phối hợp tốt, mà do công cụ phối hợp, quy định và thiết chế để phối hợp trước đây chưa có. Bây giờ Luật đã quy định rõ thì việc phối hợp sẽ được thực hiện chặt chẽ và nhuần nhuyễn, tác động cả về quy mô và tổ chức sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Hạn chế “tổn thương” khi tham gia CPTPP Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm tỷ trọng lớn, nhưng số lượng DN tham gia vào nông nghiệp cũng đang tăng gấp 3 lần, trong đó có rất nhiều DN lớn như TH truemilk, Dabaco, Vingroup, De heus, Masan… Những DN lớn này sẽ trở thành xương sống, cùng các HTX phối hợp với người nông dân sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn. |