Với 5 công ruộng, ông Nguyễn Văn Ngởi ở khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn xây dựng mô hình trồng rau nhút chuyên canh, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Đây được xem là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương.
Nhờ mô hình trồng rau nhút chuyên canh, ông Ngởi có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình được cải thiện. Ảnh: KHẮC VIỆTCách đây 10 năm, ông Ngởi phát hiện một vài nông dân trên địa bàn quận Ô Môn, trồng rau nhút có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tìm hiểu, ông Ngởi nhận thấy, mô hình trồng rau nhút ít vốn, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định, phù hợp với mình. Vì thế, năm 2008, ông Ngởi trồng thử 2 công rau nhút trên đất ruộng. Sau 20 ngày chăm sóc, ruộng rau nhút bắt đầu cho thu hoạch, thương lái đến tận nhà thu mua với giá 5.000-7.000 đồng/kg. Ông Ngởi cho biết: “Tùy theo kỹ thuật chăm sóc, mỗi đợt trồng, rau nhút có thể thu hoạch kéo dài từ 3-4 tháng, mỗi tháng thu hoạch từ 3- 4 đợt. Với diện tích 2 công, tôi thu hoạch được trên 2 tấn rau, bán được trên 10 triệu đồng/tháng, hiệu quả cao gấp 4 lần so với trồng lúa”.
Sau mỗi đợt thu hoạch, ông Ngởi bón phân vào ruộng để kích thích rau ra đọt và phát triển xanh tốt. Từ sự tìm tòi nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, ông Ngởi dần biết cách chăm sóc, xử lý môi trường nước giúp ruộng rau nhút phát triển quanh năm. 3 năm nay, ông Ngởi cải tạo 3 công đất ruộng còn lại để trồng thêm 3 công rau nhút, nâng diện tích trồng rau nhút lên đến 5 công, thu hoạch khoảng 6 tấn rau/tháng. Tùy vào thời điểm, giá rau nhút từ 4.000-7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, ông Ngởi thu nhập không dưới 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn giải quyết việc làm cho 4- 6 lao động ở địa phương với thu nhập 200.000- 400.000 đồng/mỗi đợt thu hoạch rau.
Rau nhút có thể trồng quanh năm, nhưng vụ chính bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch. Sau khi dọn sạch cỏ, đưa nước vào ruộng sâu khoảng 5 tấc là xuống giống rau nhút. Ông Ngởi chia sẻ: “Phải chăm sóc đúng kỹ thuật, mới đạt năng suất cao. Sau khi thu hoạch, phải thay nước để đảm bảo môi trường sạch cho rau phát triển. Bên cạnh đó, phải thả thêm bèo cám trên mặt nước để giúp rễ rau phát triển, hạn chế được tình trạng dập phao khi có mưa lớn”.
Anh Võ Phú Luật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, cho biết: “Ông Ngởi mạnh dạn trong việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng rau nhút chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là người hòa đồng và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ về kỹ thuật trồng rau nhút cho hội viên trong khu vực để cùng nhau phát triển. Hội Nông dân phường thường xuyên phối hợp với các ngành để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn vay cho những hội viên có nhu cầu phát triển mô hình trồng rau nhút để góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho bà con hội viên”.