Hướng di chuyển của bão số 9 (nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia)
Tối 23/11, ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết để ứng phó với bão số 9, bắt đầu từ 6 giờ sáng mai (24/11) huyện Cần Giờ sẽ tổ chức di dời dân ở những vị trí xung yếu để tránh bão.
Theo kế hoạch có hơn 4.000 người dân ở những vị trí xung yếu có nhà tạm bợ gần khu vực ven sông, ven biển, trũng thấp…sẽ được di dời đến nơi an toàn.
Ông Triển cho biết, hiện tại công tác chuẩn bị chống bảo tại địa phương đã cơ bản hoàn tất, việc đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực di dời dân cũng được bố trí.
Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cũng cho biết trong 2 ngày qua, địa phương đã cử lực lượng đi kiểm tra các bàn xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở để gia cố. Đồng thời phát loa thông báo tình hình bão đến người dân, yêu cầu tàu bè hoạt động tìm nơi trú ẩn an toàn.
“Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, sở đáy, khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản khi bão đổ bộ”, ông Triển nói.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão cách đảo Phú Quý khoảng 210km, cách Nha Trang khoảng 240km, cách Phan Thiết khoảng 310km, cách Vũng Tàu khoảng 370km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 100km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 7 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu và cách Phan Thiết 140km, cách Vũng Tàu 230km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 200km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km.
Người dân huyện Cần Giờ được sơ tán tránh bão Trâu Mộng hồi năm 2017.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 19 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão trên bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Cam Pu Chia. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.
Do ảnh hưởng của bão, tại TP.HCM, trong chiều và đêm mai có mưa rất to (phổ biến 200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Từ trưa và chiều mai (24/11), trên đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều mai (24/11).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ đêm nay (23/11) đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.
Hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh khiến mưa lớn xảy ra ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận;...