Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), do ảnh hưởng của cơn bão số 9, đã làm ách tắc 11 đoàn tàu khách (với số lượng hành khách là 2581 người) và 6 đoàn tàu hàng tại Tháp Chàm và Nha Trang.
Tổng công ty ĐSVN đã chỉ đạo các đơn vị trong khu vực, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức chuyển tải hành khách bằng ô tô từ Tháp Chàm đến Nha Trang và ngược lại để tiếp tục hành trình về Sài Gòn và Hà Nội. Hành khách trên các đoàn tàu được phục vụ xuất ăn và nước uống miễn phí trong thời gian chờ chuyển tải.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đường sắt qua Ninh Thuận có đoạn nước ngập quá đỉnh ray 300mm, trôi nền đường. Đặc biệt, nền đường có đoạn bị trôi sâu tới 1,8m, khiến đường ray bị treo lơ lửng. Ảnh: Page CLB đam mê đường sắt
Ông Phạm Minh Khôi - Trưởng Ban quản lý Kết cấu Hạ tầng (Tổng công ty ĐSVN) cho hay, tới chiều tối cùng ngày một số đoạn đường sắt Bắc – Nam qua Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận tiếp tục ngập, vị trí sạt lở chưa thể khắc phục do mưa lớn, nên tàu vẫn bị đình trệ.
Đặc biệt, một số vị trí sạt lở xảy trên đoạn đường sắt nối Khánh Hòa – Ninh Thuận, trong đó có 3 đoạn chân đường bị nước cuốn sâu tới gần 2m, tổng chiều dài 50m, và một số vị trí sạt lở nhỏ.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty ĐSVN về thiệt hại và công tác cứu chữa khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 năm 2018 gây ra trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh cho biết, tính đến 7h00 ngày 25.11.2018, qua tình hình sơ bộ thiệt hại cho thấy, tại khu gian Lương Sơn Nha Trang bị trôi tứ nón cầu Km1304+093; đất đá tràn vào đường sắt Km1306+100 – Km1306+450 phong tỏa khu gian Lương Sơn - Nha Trang lúc 21h30 ngày 24.11.2018.
Đặc biệt, vào tối 24.11, nước ngập quá đỉnh ray 300mm, trôi nền đường và nền đá 2 cầu ray, đoạn Km1382+600 – Km1383+300, phong tỏa khu gian Kà Rôm - Phước Nhơn lúc 22h10 ngày 2
Nặng nhất là nền đường đoạn km 1382+775 - km 1382+795 dài 20m và km 1382+822 - km1382+842 dài 20m bị trôi sâu tới 1,8m, khiến đường ray bị treo lơ lửng.
Tại khu gian Hòa Trinh - Cà Ná lúc 0h23 ngày 25.11.2018, nước chảy xiết, ngập đỉnh ray 300mm từ Km1422+950 - Km1423+300.
Sau khi nhận được thông tin và chỉ đạo của Bộ GTVT về cơn bão số 9, Tổng công ty ĐSVN đã khẩn trương triển khai các phương án, chỉ đạo các đơn vị trong khu vực ảnh hưởng của cơn bão chủ động ứng phó.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, phương tiện… theo phương án phòng chống lụt bão và sẵn sàng cho công tác ứng phó khi có sự cố xảy ra; chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm để phục vụ hành khách khi phải dừng tàu tại các ga dọc đường.
Đồng thời, Tổng công ty đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão khu vực 3 trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường để tổ chức cứu chữa các sự cố đã nêu trên.
Theo đó, tại khu vực trôi tứ nón cầu Km1304+093, khu gian Lương Sơn - Nha Trang đơn vị đã thả đá hộc (60m3) và cảnh báo giảm tốc độ 15km/h lúc 11h07’ ngày 24.11.2018.
Tại vị trí, đất đá tràn vào đường sắt Km1306+100 - Km1306+450 phong tỏa khu gian Lương Sơn - Nha Trang lúc 21h30 ngày 24.11.2018: đã tiến hành hót đất và trả tốc độ 15km/h lúc 22h10.
Đoạn Km1382+600 - Km1383+300, phong tỏa khu gian Kà Rôm - Phước Nhơn, hiện mưa vẫn lớn và nước ngập sâu. Nền đường có đoạn bị trôi sâu tới 1,8m, dài 20m. Đơn vị đang tập trung nhân lực và vật tư (đá hộc, rọ đá, đá balat và tà vẹt gỗ) để cứu chữa.
Tại khu vực nước ngập đỉnh ray 300mm từ Km1422+950 – Km1423+300 phong tỏa khu gian Hòa Trinh - Cà Ná lúc 5h23 ngày 25.11.2018: các đơn vị đang tiếp tục theo dõi và ứng cứu, mưa vẫn đang lớn, nước chảy xiết.
"Hiện tại Tổng công ty đang chỉ đạo các đơn vị hiện trường tập trung nhân lực, vật tư để tổ chức cứu chữa. Do tình hình bão lũ đang diễn biến phức tạp, Tổng công ty ĐSVN sẽ tổ chức các đoàn tàu khách cho phù hợp trong thời gian bão lũ", Tổng công ty ĐSVN cho hay.