Dân Việt

Bao lần trắng tay mới thành tỷ phú gà lôi

Minh Nga (TTKN Bắc Giang) 02/12/2018 07:05 GMT+7
Xuất thân tại một vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa của thôn Trại Mít xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, ông Luyến quyết tâm làm giàu từ kinh tế trang trại. Ông Lê Văn Luyến đã nhiều lần trắng tay nhưng hiện nay cơ ngơi của ông cũng đáng để nhiều người mơ ước. Làm được điều này chính là nhờ 10 con gà lôi mua về nuôi thử của ông Luyến trước đây.

Năm 2008 trước trận lũ lịch sử, 300 lợn thịt ở trang trại của gia đình ông Luyến đứng trước nguy cơ mất trắng. Nhờ hàng xóm láng giềng và lực lượng bộ đội địa phương giúp đỡ 300 lợn thịt của gia đình chỉ vớt vát được vài chục con. Nhưng nước lũ ngập trắng số tài sản đó ông cũng chẳng giữ nổi. Nước lũ cuốn phăng cả sản nghiệp nhưng người nông dân ấy vẫn không nản chí, quyết tâm làm lại từ đầu.

img

Ông Luyến bên lô gà Lôi mới nở phục vụ cho đơn hàng sáng hôm sau.

Bỏ nuôi lợn ông chuyển sang nuôi gà, với ý tưởng làm thuyền để chăn nuôi khiến nhiều người cho là “gàn dở”, năm 2011 vay vốn ngân hàng và anh em họ hàng xây dựng chuồng trại nuôi gà, lại 1 lần nữa đầu tư tiền của nuôi 700 gà ta và 10 con gà lôi lại mất trắng vì dịch bệnh, kéo theo khoản nợ hơn 120 triệu đồng. Nhìn số nợ và tài sản còn lại chỉ còn 10 con gà lôi vẫn sống khỏe mạnh ông Luyến lại manh nha hướng làm giàu mới và từ đó quá trình làm giàu của gia đình ông bắt đầu.

Qua tìm hiểu thông tin trên mạng internet, trên các kênh đài, báo, đi thăm tận nơi các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai có chăn nuôi gà lôi nhiều, ông Luyến mới vỡ lẽ gà lôi là giống hoang dã, nuôi nhiều gây tiếng ồn lớn nên không chăn thả được ở gần khu dân cư, phải chăn thả nơi đất rộng.

Tuy nhiên giống gà lôi lại không cầu kỳ chăm sóc, khi nuôi thực tế ông Luyến thấy rất ít bệnh tật, chăn nuôi dễ chỉ ăn chủ yếu cám gạo, ngô, rau, bèo, thịt ăn lại đặc biệt thơm ngon. Tỷ lệ ấp nở gà lôi đạt khoảng 90% trong khi ấp nở gà ta vào khoảng 60%, tỷ lệ sống cũng cao hơn so với các giống gà thông thường. Ông cũng cho biết theo tính toán của ông chỉ cần nuôi 1.000 gà lôi lãi suất bằng với nuôi 2.000 gà ta mà công bỏ ra ít và lại nhàn hơn nhiều.

img

Gà lôi bố mẹ được nuôi nhốt tập trung để cho đẻ lấy trứng phục vụ công tác làm giống của trang trại gia đình ông Luyến.

Từ khi nắm bắt được tập tính sinh trưởng của gà lôi, từ 10 con gà lôi ban đầu sau 2 lứa đẻ gia đình ông Luyến đã có 8.00 gà lôi thế hệ con. Ông sàng lọc để lại 400 gà lôi giống để duy trì số còn lại nuôi thịt để bán, từ đó gia đình ông vừa sản xuất giống gà lôi và gà lôi thịt.

Không dừng lại ở đó, ông Luyến tiếp tục nghiên cứu và ấp nở thành công giống vịt trời, ngan, ngỗng. Giá bán giống tùy thời điểm, gà lôi 20.000 – 30.000 đồng/con giống, giá bán ngỗng 100.000 đồng/con, vịt trời giống 80.000 – 120.000 đồng/con…

Với 3 trang trại quy mô trên 12ha vừa làm giống gia cầm, chăn thả gia cầm thịt tổng hợp, vừa thả cá tăng thu nhập, mở rộng quy mô có những lúc đỉnh điểm gia đình ông chăn thả lên tới 20.000 gà lôi thịt, 30.000 vịt trời, hàng nghìn ngỗng thịt các loại,… Hàng năm trang trại chăn nuôi gia cầm đặc sản tổng hợp của gia đình ông Luyến thu lãi tiền tỷ. Tính ra hàng tháng thu nhập của gia đình ông trên 100 triệu đồng/1 tháng là điều không khó. Đây cũng chính là mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều gia đình chốn thôn quê.

img

Bà Trương Thị Loan vợ ông Lê Văn Luyến đang làm vacxin cho lô gà lôi giống chuẩn bị xuất bán.

Thành công đến với ông Luyến tưởng chừng rất dễ ràng, tuy nhiên thành công này phải đánh đổi bằng bao lần trắng tay bởi thiên tai dịch bệnh. Thế nên giờ đây, ngồi ngẫm lại ông Luyến chia sẻ: “Phải kiên trì thì việc gì cũng thành và chỉ có chăn nuôi an toàn sinh học mới có hiệu quả cao, khi chăn nuôi thì chuồng trại phải sạch sẽ, sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để cho ăn và làm đệm lót sinh học để chăn nuôi”.

Biết được các kiến thức này là do ông cần mẫn tham gia nhiều lớp học, thường xuyên trao đổi với cán bộ Khuyến nông và cán bộ thú y về tình hình chăn thả của trang trại. Hiện tại, ông đã có chứng chỉ sơ cấp nghề chăn nuôi thú y, có nhiều chứng nhận tham gia lớp chăn nuôi an toàn sinh học do nhà nước cũng như tổ chức thế giới FAO tổ chức.

Ông Luyến khẳng định, nếu trong chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh, chuồng trại đảm bảo sạch sẽ thoáng mát đã tránh được 80% dịch bệnh. Nếu như trước đây chăn nuôi không theo phương pháp an toàn sinh học mỗi năm gia đình ông phải chi phí riêng tiền thuốc và kháng sinh lên tới 150 triệu đồng.

Từ khi chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học và sử dụng đệm lót chi phí thuốc chỉ còn khoảng 40 triệu đồng/năm, kháng sinh gần như gia đình ông không phải sử dụng, công chăm sóc giảm xuống rất nhiều.

Ở cái tuổi thấp thập, ông Luyến làm giàu nhưng vẫn tâm niệm để chữ “Tâm” trong chăn nuôi, ông muốn người mua được sử dụng những sản phẩm sạch, chất lượng. Chính vì vậy, trang trại của gia đình ông chăn nuôi hoàn toàn không có cám công nghiệp, toàn bộ sản phẩm nuôi thịt đều chăn nuôi theo hướng an toàn, sử dụng cám ngô, cám gạo, và rau bèo trộn với men vi sinh để chăn nuôi.

Giá bán gà lôi và gà ta của gia đình ông luôn duy trì ở mức 120.000 – 130.000 đồng/kg. Thương lái tìm đến tận nơi thu mua, sản phẩm làm ra dân trong và ngoài vùng đều ưa chuộng và tin dùng. Ngoài chăn nuôi gia cầm, ông Luyến chia sẻ thời gian tới ông nhất định mở rộng thêm quy mô nuôi thịt lợn sạch.

Ông cũng cho biết ông đã tìm hiểu trên internet và biết đến thầy Nguyễn Khắc Tuấn giảng viên trường Học viện nông nghiệp Việt Nam về chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học có sử dụng men vi sinh trong thức ăn. Sắp tới ông sẽ tìm hiểu sâu hơn và hiện thực hóa mô hình.

Ông Phạm Hải Dương Chủ tịch UBND xã Đông Hưng cũng đánh giá cao mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp của ông Luyến là mô hình điểm của xã, qua nhiều năm phấn đấu làm kinh tế trang trại là nhiều năm ông Luyến tham gia tích cực vào các phong trào của thôn xã như hỗ trợ làm đường, làm nhà văn hóa thôn cũng như các hoạt động khuyến học tại địa phương. Mô hình trang trại của gia đình ông Lê Văn Luyến chính là tấm gương sáng về ý trí vươn lên làm giàu để nhiều người dân địa phương trong vùng học tập và làm theo.