Dân Việt

Quảng Ngãi: Nhộn nhịp quanh năm "chợ lao động số 7"

Xuân Thiên 28/11/2018 13:45 GMT+7
Để tìm việc làm, đồng bào dân tộc thiểu số Hrê ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà... hằng ngày phải cuốc bộ hàng chục cây số để đến Km số 7, Quốc lộ 24, thuộc thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) để chờ người thuê đi làm. Người dân ở đây quen gọi là "chợ số 7", vì nó hình thành gần 20 năm qua...

Hơn 9 giờ sáng, chiếc xe ôtô 16 chỗ từ hướng huyện Ba Tơ chở theo hàng chục lao động dừng lại trước các hàng quán tại Km7, Quốc lộ 24. Họ đều là người Hrê đến để chờ người thuê đi làm  việc. Trong cơn mưa nặng hạt, vừa xuống xe, họ kéo nhau vào khu chợ ở bên cạnh mua gạo, muối, cá khô, nước mắm... Một người đàn ông cười giòn tan bảo: "Đây là phần lương thực dùng để ăn trong nửa tháng làm việc xa nhà sắp đến của tụi tôi".

Nhộn nhịp quanh năm

Bất kể nắng mưa, tại Km7, Quốc lộ 24 qua địa bàn xã Phổ Phong (Đức Phổ) đều nhộn nhịp. Theo người dân sinh sống lâu năm ở khu vực này, chợ lao động bắt đầu hình thành từ những năm 1997, khi Nhà máy đường Phổ Phong được xây dựng. Lúc bấy giờ, người Hrê xuống làm mía thuê ở khu vùng Nông trường Phổ Nhơn. Những năm sau này, lao động người Hrê được thuê khai thác keo, mì và trồng rừng...

img

Những phụ nữ Hrê đi tìm việc làm ở “chợ số 7”.

Ông Phan Đình Nhân (65 tuổi), làm nghề buôn bán ở đây cho hay, từ những năm đầu sau giải phóng đến năm 1995, khu vực Km số 7 là nơi tập trung nhiều lao động từ nơi khác đến tìm việc mưu sinh. Nhưng thời điểm đó, chủ yếu là lao động người Kinh ở các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành... vào làm mía ở Nông trường Phổ Nhơn, về sau thì có có người Hrê đến đây tìm việc làm.

Ông Hoàng Tiến Dũng, người làm dịch vụ đưa đón lao động là người Hrê cho biết: "Tôi làm nghề này gần 20 năm rồi. Lao động người Hrê tập trung đông nhất vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm. Khi đó, cứ vài ngày có khoảng trăm người đến đây tìm việc làm". Ông Dũng có 4 chiếc ô tô từ 12-16 chỗ, chuyên đến các xã ở vùng cao Ba Tơ, Sơn Hà chở lao động là người dân tộc Hrê đến Km7 để tìm việc làm.

Bước đường mưu sinh

Gần trưa, cơn mưa nặng hạt vẫn liên tục trút xuống. Quốc lộ 24 trở nên thưa người. Lúc này, quán cơm của bà Phạm Thị Mỹ Lệ lại rộn ràng. Gần 20 năm bán cơm phục vụ cho những lao động người Hrê, bà Lệ nói rành rọt luôn cả tiếng Hrê và biết rõ tên, sở thích món ăn của từng người. Bà Lệ cho biết: Sau tết Nguyên đán đến khoảng tháng 9 âm lịch hằng năm, mỗi ngày bà bán khoảng 200 suất cơm cho những người lao động người Hrê xuống đây làm thuê.

"Những tháng thời tiết thuận lợi, ở đây nhộn nhịp lắm. Số lượng người nhiều như thế, nhưng ai cũng có việc làm trong ngày, có tiền trang trải cuộc sống. Ngày trước, họ đến nơi đây chờ ai gọi gì thì làm nấy. Bây giờ thì trao đổi trước qua điện thoại, nên mỗi đợt đi làm cả chục ngày đến nửa tháng, có xe đưa đón tận nơi", bà Lệ nói.

img

Bữa cơm trưa ở Km7 trước khi vào các tỉnh lân cận làm việc của những lao động nghèo người Hrê.

"Làm việc ở tỉnh bạn mà sao không đi thẳng vào Bình Định mà phải dừng lại ở đây rồi mới đi", tôi hỏi. - "Quen rồi, có đi đâu thì cũng phải ghé đây mua nhu yếu phẩm rồi mới đi", một người đàn ông tên Dũng cho hay. Anh Phạm Văn Phôn, ở xã Ba Tô (Ba Tơ) là trưởng nhóm lao động nói với sang:  "Đi chợ khác không quen, khó mua lắm".

Khi được hỏi anh đi tìm việc làm kiểu này được bao lâu, anh Phôn nói không nhớ được, chỉ biết rằng anh làm rất nhiều năm rồi và trước đây chủ yếu là làm mía, keo cho các chủ rừng ở các xã Phổ Nhơn, Phổ Phong. Những năm gần đây thì  đi làm thuê ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam... Với kinh nghiệm của mình, anh trở thành người kết nối, giúp nhiều lao động nhàn rỗi ở các xã ở huyện Ba Tơ tìm được việc làm.

Ông Phạm Văn Mí (55 tuổi), ở xã Ba Ngạc (Ba Tơ) cùng vợ đi làm thuê cho hay: "Nhà mình có 5 người con, hoàn cảnh khó khăn lắm. Làm rẫy không đủ ăn, phải xuống “cây số 7” tìm việc làm. Đi trồng rừng, phát rẫy, tiền công của đàn ông mỗi ngày 190 nghìn đồng, phụ nữ 180 nghìn đồng".

Anh Phôn cho biết, những chuyến đi làm thuê ở ngoài tỉnh kéo dài khoảng 15 ngày. Sau đó họ lại trở về nhà, ai cần thuê lao động thì lại tiếp tục liên lạc với anh Phôn.

Vì thu nhập không cao nên, dù là đi theo nhóm, ở chung lán trại, nhưng mỗi người tự nấu ăn riêng, chủ yếu là thực phẩm khô, mặn đã mua từ ngày đầu vào rẫy. Chị Phạm Thi Hinh (27 tuổi), xã Ba Tô nói: "Tiền công lao động thấp nên phải ăn uống tiết kiệm. Mỗi đợt làm công 15 ngày, mình để dành được hơn 2 triệu đồng. Công việc nặng lắm, lột vỏ keo rồi vác xuống núi... Vì cuộc sống nên cố gắng làm".  

Trong những đợt vào rừng rẫy để mưu sinh, có không ít trường hợp bị ốm đau phải xin về sớm. Hy hữu có trường hợp sinh con luôn trong rẫy. Ông Hoàng Tiến Dũng kể: Cách đây 4 năm, lúc đưa 23 lao động vào làm thuê ở An Lão (Bình Định), lúc đưa về trên xe có thêm một em bé. Đồng bào Hrê nhiều người không tính ngày sinh nở, họ cứ lao động cho đến lúc chuyển dạ.  Trong cuộc sống mưu sinh cũng lắm chuyện éo le.

Sau bữa cơm trưa, những lao động người Hrê rời thôn Vạn Lý đến những vùng rừng núi xa xăm để làm thuê. Công việc chẳng nhẹ nhàng gì, nhưng vì cuộc sống nên họ phải vất vả mưu sinh...

“Cây số 7 là nơi tập trung số lượng lớn lao động người dân tộc thiểu số Hrê đến tìm việc. Đã thành một thói quen cố hữu trong suy nghĩ của người Hrê, dù làm việc ở bất cứ nơi đâu, họ cũng vẫn đến đây đầu tiên. Cái tên "chợ" lao động của người Hrê cũng vì thế mà ra đời. Cũng nhờ thế mà nơi này trở nên đông vui hẳn lên”, Trưởng thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong (Đức Phổ) ĐẶNG HOÀNG VŨ