Tại các hội thảo tổ chức tháng 11 bởi Viện Quản lý kinh tế Trung ương và Cục Thú y (Bộ NNPTNT), các hiệp hội trong ngành thực phẩm đã chỉ ra hàng loạt các bất cập trong việc kiểm dịch thú y quy định trong Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT hiện nay, mà vẫn tồn tại trong bản dự thảo sửa đổi thông tư này. Quy định hiện tại yêu cầu các sản phẩm có chứa sữa đều phải kiểm dịch để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Đại diện Tiểu ban dinh dưỡng thuộc Phòng Thương mại Châu Âu Eurocham cho biết các sản phẩm có chứa sữa (dù thành phần có thể chỉ có vài giọt sữa, hay một ít chất chiết xuất từ sữa như đạm sữa, chất béo sữa) đã phải kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn phải trải qua quá trình kiểm dịch mặc dù các chỉ tiêu kiểm tra là hoàn toàn giống nhau.
Sự chồng chéo này gây ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm riêng cho kiểm dịch, mà cuối cùng doanh nghiệp nhận được 1 giấy chứng nhận có giá trị trong vòng vài tháng (?)
Thậm chí các sản phẩm dinh dưỡng y tế dùng cho bệnh nhân chỉ chứa một ít đạm sữa, hay các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em có chứa sữa, đã được tiệt trùng và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Codex quốc tế, vốn dĩ cực kỳ an toàn vì đã qua xử lý nhiệt, vẫn phải kiểm dịch động vật.
Tiểu ban dinh dưỡng Eurocham kiến nghị với các sản phẩm chứa các sản phẩm sữa đã tiệt trùng như trên chỉ cần kiểm tra hồ sơ lô hàng là đủ, nếu cần thì lấy mẫu kiểm nghiệm mỗi năm một lô.
TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam. (Ảnh: I.T)
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch là chồng chéo lẫn nhau, gây ra sự lãng phí.
Còn tốn kém hơn nữa khi kiểm dịch 1 lô nhưng phải lấy 5 mẫu và doanh nghiệp phải trả chi phí cho 5 lần kiểm với cùng 1 chỉ tiêu vi sinh, trong khi kiểm tra an toàn thực phẩm cũng vẫn các chỉ tiêu như vậy lại chỉ cần lấy 1 mẫu và trả chi phí cho 1 lần kiểm.
Thời gian chờ kiểm dịch dài gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm đặc biệt là các mặt hàng có hạn dùng ngắn như sữa chua, sữa thanh trùng, kem, trong khi giấy chứng nhận kiểm dịch lại chỉ có giá trị trong vòng 2 tháng.
Chuyên gia Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải quan) cho rằng Tổ chức Thú y quốc tế OIE và Luật thú y chỉ yêu cầu kiểm dịch “các sản phẩm động vật” là các sản phẩm có nguồn gốc từ cơ thể của một con vật chứ không phải kiểm dịch “các sản phẩm chứa sản phẩm động vật”.
Điều này gây ra bất cập trong lĩnh vực kiểm dịch thú y, đó là phạm vi quá rộng, thủ tục quá phức tạp, chi phí quá cao. Doanh nghiệp thiệt hại, và người thiệt hại cuối cùng là người tiêu dùng do gây giá tăng.
Trước những bức xúc của các Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện Cục Thú y giải thích rằng kiểm dịch các sản phẩm động vật là cần thiết và đã được quy định bởi Tổ chức Thú y quốc tế OIE. Để giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, với các sản phẩm đã qua chế biến có nguy cơ thấp, trong Dự thảo Thông tư sửa đổi đã đề xuất 5 lô chỉ kiểm 1 lô.
Các Hiệp hội đều khẳng định dự thảo mới của Thông tư sửa đổi có sự tiến bộ nhưng chưa nhiều do diện kiểm dịch các sản phẩm sữa quá rộng, quá mức cần thiết.
Được biết, ngày 20.11.2018, Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng đã gửi Công văn số 94/CV/HHS tới Bộ NNPTNT đề nghị Bộ chỉ đạo Cục Thú y khẩn trương thực hiện nghị quyết của Chính phủ số19-2018/NQ-CP về sửa đổi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư số 24/2017/TT-BNPTNT để giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp về kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn.
Trong công văn, Hiệp hội sữa đã đề nghị: Các sản phẩm chứa sản phẩm sữa, đã qua tiệt trùng để loại trừ nguy cơ gây dịch bệnh, cần được giảm kiểm tối đa, chỉ nên kiểm tra hồ sơ các lô, và lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên 1 lần/năm. |