Dân Việt

DN bầu Đức và “duyên nợ” với công ty con BIDV ở Lào, Campuchia

Hoàng Nhật 29/11/2018 14:00 GMT+7
Ông Trần Bắc Hà đã giúp BIDV gặt hái không ít thành công trong suốt 35 năm làm việc trên nhiều cương vị khác nhau. Song có lẽ khoản nợ khủng của các doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT với BIDV là “nốt trầm” của ông Bắc Hà trong những năm cuối cùng sự nghiệp.

img

Ông Trần Bắc Hà là một trong số ít nhân vật được công chúng biết đến rộng rãi, vượt ra ngoài khuôn khổ lĩnh vực tài chính - ngân hàng. ( Ảnh minh họa)

Ông Trần Bắc Hà là một trong số ít nhân vật được công chúng biết đến rộng rãi, vượt ra ngoài khuôn khổ lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bắt đầu làm việc tại BIDV từ năm 1981, ông Trần Bắc Hà dần khẳng định được năng lực của mình tại nhiều vị trí khác nhau trước khi trở thành Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Định lúc 35 tuổi.

Hơn 8 năm ông Trần Bắc Hà giữ vị trí Chủ tịch BIDV, ngân hàng đã trải qua nhiều thăng trầm hoạt động kinh doanh. Từ một ngân hàng quốc doanh, BIDV đã cổ phần hóa thành công, trở thành ngân hàng thương mại cổ phần, từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam như hiện nay với lĩnh vực cho vay rộng khắp, phạm vi hoạt động không chỉ ở Việt Nam mà còn là Lào, Campuchia, Myanmar...

Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV đã thiết lập các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán tại thị trường Campuchia với sự hiện diện của Văn phòng đại diện BIDV tại Campuchia, Công ty Đầu tư Phát triển CPC (IDCC), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) và Công ty Bảo hiểm CPC–Việt Nam (CVI), Công ty Chứng khoán CPC-Việt Nam (CVS).

Ngoài ra, báo cáo tài chính quý III.2018 của BIDV cũng cho thấy ngân hàng này đang nắm cổ phần lớn của 11 công ty con. Theo đó BIDV đang nắm 100% vốn của Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản BIDV (BAMC); Công ty TNHH BIDV Quốc tế (BIDVI); Công ty TNHH BIDV Quốc tế (IIDC) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (công ty con của IIDC). Ngoài ra BIDV cũng nắm giữ 88,12% Công ty Cổ phần chứng khoán BIDV (BSV).

BIDV cũng đang sở hữu 98,5% cổ phần của nhiều ngân hàng như Ngân hàng Đầu tư phát triển Campuchia (BIDC) và 65% cổ phần của Ngân hàng liên doanh Lào Việt (LVB).

img

Khoản nợ khủng với các doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) có lẽ là “nốt trầm” của ông Bắc Hà trong những năm cuối cùng sự nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nhìn lại quá trình 35 năm làm việc trên nhiều cương vị khác nhau, ông Trần Bắc Hà đã giúp BIDV gặt hái không ít thành công. Song có lẽ khoản nợ khủng với các doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) có lẽ là “nốt trầm” của ông Bắc Hà trong những năm cuối cùng sự nghiệp.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của 11 ngân hàng công bố vào tháng 8.2016, 11 ngân hàng “ôm” hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,62% hồi cuối năm 2015 lên 2%.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, BIDV có 13.183 tỷ đồng nợ xấu, tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng.

Về phía HAGL, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT, tại ngày 31.12.2015, HAGL có số dư vay nợ lên đến 27.099 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cuối năm 2014, chủ yếu là tăng từ các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL với số dư vay nợ 10.655 tỷ đồng, bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.

Với các công ty con của BIDV ở Lào và Campuchia, HAGL khi đó có 4 khoản vay ngắn hạn với Ngân hàng Lào - Việt với tổng giá trị hơn 853,3 tỷ đồng. Tất cả đều được thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại Lào với tổng diện dích hơn 1.000 ha và toàn bộ đàn bò nhập trị giá 47,64 triệu USD lúc đó cùng nhiều tài sản trên đất khác.

Đàn bò nêu trên cùng một số quyền sử dụng đất cũng tiếp tục được sử dụng trong khoản vay dài hạn giữa HAGL với Ngân hàng Lào - Việt với tổng giá trị hơn 1.397 tỷ đồng.

Sau đó hơn 2 năm, tính tới ngày 30.6.2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này.

Cụ thể, HAGL nợ BIDV và công ty có liên quan tổng cộng hơn 9.223 tỷ đồng, bao gồm 376,3 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.971 tỷ đồng vay dài hạn và 5.876 tỷ đồng vay trái phiếu do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành. Như vậy, chỉ riêng khoản tín dụng BIDV cho HAGL vay đã chiếm khoảng 40% tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, HAGL lúc này vẫn là “con nợ” của Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) với số tiền nợ 374,644 tỷ đồng và Ngân hàng Đầu tư phát triển Campuchia (BIDC) với số tiền 35 tỷ đồng, đây đều là hai công ty con của BIDV. Theo lý giải của HAGL, đây đều là khoản vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn của tập đoàn, chịu lãi suất thả nổi, được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, nhà xưởng, văn phòng, máy móc thiết bị, vườn cây cao su, cọ dầu và đàn bò của tập đoàn.

Thêm vào đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) cũng cho HAGL vay dài hạn 19,3 tỷ đồng, còn Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) cho vay dài hạn 1.397 tỷ đồng gồm 3 khoản vay với mức lãi suất từ 8,75% tới 11%/năm.

Sang quý III.2018, doanh nghiệp của bầu Đức cho thấy những sự thay đổi mạnh mẽ sau khi bắt tay hợp tác với Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.Tính tới ngày 30.9.2018, HAGL có 21.059 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, khoản vay ngắn hạn với BIDC đã không còn, trong khi khoản vay ngắn hạn với LVB là 274,8 tỷ đồng. Còn khoản vay dài hạn với hai ngân hàng là công ty con của BIDV cũng không xuất hiện trong BCTC quý III.2018 của HAGL. Tuy nhiên, về tổng quan, BIDV vẫn là chủ nợ lớn nhất của HAGL.

Về phía BIDV, sau quý III.2018, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng BIDV chỉ còn chiếm hơn 4.339 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước và sau thuế của BIDV tăng trưởng lần lượt 23% và 16%, tương ứng lợi nhuận trước thuế gần 2.284 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.753 tỷ đồng.

Song nợ xấu của BIDV 9 tháng đầu năm 2018 lại tăng 21%.Trong đó, nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn tăng 22% lên mức 3.605 tỉ đồng tăng gần 1.000 tỷ đồng, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng 47% lên 7.214 tỉ đồng, tăng gần 3.000 tỉ đồng so với quý III.2017. Trong khi đó, nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm nhẹ 7%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng nhích lên mức 1,76% so với 1,62% hồi đầu năm.