Dân Việt

Tác động từ đổi mới cơ chế chính sách KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Diệu Huyền 29/11/2018 14:07 GMT+7
Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành hệ thống văn bản khá đầy đủ, đồng bộ, toàn diện về cơ chế, chính sách cho việc thực hiện các hoạt động KH&CN, nhất là cho các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thời gian qua, KH&CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

img

Ông Chu Thúc Đạt - Phó Vụ Trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN đã có những chia sẻ về nội dung này:

Xin ông cho biết, thời gian qua Nhà nước đã có những cơ chế chính sách gì liên quan đến việc hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp, thưa ông?

- Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư phát triển KH&CN, Nghị quyết số 20-NQ/TW Khóa XI đã xác định “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, hay Nghị quyết 26 – NQ/TW đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn”,…

Thực hiện chủ trương đó, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể như: Chương trình phát triển công nghệ cao, đổi mới công nghệ quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia tập trung vào những sản phẩm như lúa gạo, nấm ăn, nấm dược liệu, cá tra, cá ba sa, tôm, cây rau hoa quả…

Đặc biệt, ngày 13.10.2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số đến năm 2025 (Chương trình Nông thôn miền núi), giao Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đây là một Chương trình mà đối tượng hỗ trợ trực tiếp là người dân vùng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của nông lâm thủy hải sản. 

Ông có thể nói rõ hơn về những đóng góp nổi bật của Chương trình nông thôn miền núi trong phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua?

- Với mục tiêu chuyển giao tiến bộ KH&CN, quy trình kỹ thuật mới, đồng thời xây dựng được các mô hình ứng dụng chuyển giao có hiệu quả, quy mô phù hợp với vùng sinh thái từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng được các mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Trong những năm vừa qua, Bộ KH&CN đã bám sát mục tiêu nội dung và yêu cầu sản phẩm của Chương trình, đến nay đã có hơn 500 quy trình công nghệ mới, tiến bộ KH&CN được ứng dụng chuyển giao, xây dựng thành công hơn 400 mô hình ứng dụng và đạo tạo được hơn 1000 lượt người dân. Các tiến bộ KH&CN đã có những đóng góp quan trọng cho việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống cho người dân vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số. 

Một số kết quả cụ thể như: Mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi thâm canh cá Rô phi đơn tính, cá Diêu hồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao tại Thái Nguyên được triển khai từ cuối năm 2016, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Đông Bắc chủ trì. Nuôi cá theo công nghệ này đã làm tăng năng suất đạt trên 120 tấn/ha (gấp 6 lần công nghệ nuôi thông thường), giảm lượng nước sử dụng 90% so với định mức của Bộ NN&PTNT, hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần. Mô hình sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang được triển khai từ cuối năm 2016 do Công ty cổ phần xây dựng tổng hợp Tuyên Quang chủ trì. Sản phẩm hoàn chỉnh đã được xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Nhật Bản tại công ty Yanagi Products.Co.ltd.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 50 triệu đôi đũa gỗ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, giải quyết công ăn việc làm cho trên 60 người lao động thường xuyên và gần một trăm lao động thời vụ, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Olong và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu”, đã áp dụng trồng chè theo VietGAP làm tăng năng suất và chất lượng chè lên trên 10% so với trước đây. Các giống chè Kim Tuyên, PH8 đã được mở rộng từ vài chục ha đến nay đã là gần 750 ha. Dự án đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất với hơn 2.000 hộ nông dân, giải quyết được hơn 4.000 lao động trong vùng. …

Như vậy, muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào các khâu sản xuất. Xin ông cho biết, thực trạng việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN hiện nay để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp?

- Đúng như vậy, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào các khâu sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (theo chuỗi giá trị từ nguyên liệu đầu vào đến cung cấp sản phẩm tới người tiêu dùng) là rất quan trọng. Đây là một trong những yếu tố cạnh tranh sống còn của người dân, doanh nghiệp. 

Xác định được tầm quan trọng như vậy, những năm gần đây, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của nông lâm thủy hải sản. Chúng ta có thể thấy một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh ở nhiều địa phương như: trồng rau củ quả công nghệ cao ở Hà Nam, Hải Dương, Mộc Châu Sơn La, Đà Lạt, Lâm Đồng; Công ty Dabaco ở Bắc Ninh nuôi gà thịt, trứng gà sạch, nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu, cá tra, cá ba sa của Công ty Sao Mai, Vĩnh Hoàn ở An Giang…

Thấy rõ được tầm quan trọng này, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, Bộ KH&CN luôn luôn xác định mục tiêu hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ KH&CN để phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Từ việc lựa chọn giống mới, quy trình kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, chế biến mới đến việc xây dựng các thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xúc tiến thương mại thị trường...

Tuy nhiên, nhìn tổng thể sản xuất nông nghiệp của nước ta còn rất nhiều hạn chế, nhất là khu vực sản xuất nông hộ, hộ cá thể quy mô nhỏ… vì điều kiện sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít… Do vậy, rất khó khăn cho việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, chính vì vậy năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, không đồng đều. Đây là một trong những điều đáng quan tâm đối với các nhà quản lý trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân ở khu vực này.

Vậy theo ông, cần phải có những giải pháp đồng bộ ra sao trong việc tập trung đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới?

- Giải pháp đồng bộ cho vấn đề này quả thật là khó, nhất là các giải pháp phải có tính khả thi phục vụ trực tiếp cho hai nội dung lớn là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Mặc dù mục tiêu của hai vấn đề này có điểm chung đều là nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông nghiệp nông thôn văn minh, hiện đại. Theo quan điểm cá nhân tôi, giải pháp đầu tiên phải đồng bộ, thống nhất về cơ chế, chính sách đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ nông nghiệp nông dân và nông thôn, chính sách đất đai, thuế, hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống...

Thứ hai, phải huy động được tối đa các nguồn lực, cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện và chung tay phát triển nền nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững.

Thứ ba, phải quy hoạch, lựa chọn, xác định đúng sản phẩm có lợi thế phát triển, có tiềm năng về thị trường để đầu tư, chuyển dịch cơ cấu cho phù hợp.

Thứ tư, gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa việc nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất.

Thứ năm, khuyến khích, hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của các sản phẩm nông sản. Phải xác định doanh nghiệp là trung tâm, hạt nhân của chuỗi giá trị này.

Xin cảm ơn ông!