Dân Việt

Sơn La: Khuyến nông cầm tay chỉ việc giúp nông dân khá, giàu

Quốc Định 01/12/2018 19:05 GMT+7
Nhằm từng bước giúp nông dân đổi mới tư duy, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến nông (nay gọi là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tổ chức hội thảo kết hợp với trình diễn, xây dựng mô hình, chuyển giao các mô hình trồng trọt và chăn nuôi tại địa phương.

Về tận thôn, bản

Sông Mã là huyện miền núi biên giới của tỉnh Sơn La, toàn huyện có 18 xã, thị trấn, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều. Thêm nữa, nhiều thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu chưa được bỏ, sản xuất còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ không hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội địa phương.

img

Mô hình trồng chanh leo của nông dân xã Chiềng Khoong (Sông Mã)

Trước những bồn bề khó khăn đó, cấp ủy chính quyền địa phương đã họp bàn tìm giải pháp tháo gỡ, Trong đó, phát huy tốt vai trò công tác khuyến nông cơ sở, hướng về người dân bám sát địa bàn, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tổ chức hội thảo kết hợp với trình diễn, xây dựng mô hình, chuyển giao các mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Để giúp người dân nâng cao kỹ thuật sản xuất, thâm canh Trung tâm đã xây dựng kế hoạch mở các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn sản xuất, tham quan các mô hình kinh hiệu quả trên địa bàn cho bà con nông dân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở 173 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hơn 6.500 lượt người tại 18 xã, thị trấn; tổ chức 1.018 cuộc tuyên truyền tới 9.207 người dân, chủ yếu là kỹ thuật phòng chống rét cho mạ; chăm sóc, tỉa định chồi ghép cây nhãn, xoài; phương pháp phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi; thâm canh lúa theo phương pháp SRI; trồng, chăm sóc cỏ voi, VA06; chăm sóc nhãn sau thu hoạch, trồng mới, chăm sóc cây ăn quả… Qua các khóa tập huấn đã giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt.

img

Nhờ công được tập huấn công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhiều nông dân Sông Mã đã phát triển nhiều mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo ông Hải, bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm hướng dẫn, triển khai các mô hình khuyến nông có hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở căn cứ vào đặc điểm từng địa phương, lựa chọn các mô hình phù hợp, làm sao đem lại hiệu quả cao nhất, đồng thời, chung tay đồng hành cùng người dân trong quá trình triển khai thực hiện “khó đến đâu khắc phục đến đó”...

img

Mô hình trồng tranh leo đang mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân

Những mô hình khuyến nông tiêu biểu trên địa bàn huyện Sông Mã như: Mô hình trồng chanh leo 17,5 ha của 63 hộ dân ở các xã Chiềng Khoong, Huổi Một, Nà Nghịu; trồng tre măng Bát Độ tại xã Đứa Mòn; trồng cỏ phục vụ chăn nuôi tại xã Pú Bẩu; nuôi lợn đực giống ngoại, thụ tinh nhân tạo tại các xã Chiềng Khoong, Chiềng Sơ, Nà Nghịu, Mường Cai.

Ngoài ra, xây dựng 8 mô hình khuyến nông tự nguyện ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm Emunic với 46 hộ tham gia; thâm canh cam, nhãn, xoài Thái quy mô 21 ha tại xã Bó Sinh; trồng xả tím ở xã Mường Cai; xây dựng mô hình nuôi ong ngoại quy mô 160 đàn, tại xã Chiềng Khoong; trồng trám trắng quy mô 3 ha tại xã Yên Hưng; nuôi dê sinh sản tại xã Chiềng Cang…

Chị Nguyễn Thị Hiền, bản Nà Hạ, xã Huổi Một (Sông Mã), sau khi được tham gia lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức hồi năm 2017, gia đình đã đăng ký trồng 250 gốc chanh leo. Tới tháng 11 năm đó, nhà chị đã thu hoạch vụ đầu tiên được hơn 3 tạ quả. Còn từ tháng 6 năm nay tới giờ nhà chị thu thêm 3 tấn quả, giá bán dao động từ 18.000 đồng đến 37.000 đồng/kg.
img

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, vài năm trở lại đây cây nhãn Sông Mã đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người nông dân

Anh Hoàng Văn Lục, bản Tiền Phong (xã Nà Nghịu), do chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi nên gia đình hay gặp rủi ro. Được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông xã, anh tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật, nắm chắc thời điểm cũng như các phương pháp phòng chống dịch bệnh và chăm sóc, vậy nên 6 con bò của gia đình anh nuôi đến nay đều lớn nhanh, khỏe mạnh.

Qua thực tế, các mô hình được chọn đều phù hợp với điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của người dân, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Trung tâm đang chủ động liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm, tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương, đáp ứng tốt yêu cầu của nông dân.