Bà Lò Thị Thoa sinh năm 1960, sống tại tổ 4, phường Chiềng Cơi, TP.Sơn La. Tuy đã xấp xỉ 60 tuổi, nhưng nom bà còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn lắm. Khuôn mặt phúc hậu, nước da sáng hồng, toát lên vẻ đẹp mộc mạc của người phụ nữ Thái bao đời nay.
Vừa may đệm, bà Thoa vừa vui vẻ kể: “Đệm bông gạo này là sản phẩm truyền thống của người Thái chúng tôi. Theo phong tục của người Thái, con gái trước khi lấy chồng phải tự tay may đệm làm quà tặng cho gia đình nhà chồng để thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ cũng như tấm lòng của người con đối với gia đình bên chồng. Vì thế, ngay từ ngày bé, tôi đã được mẹ dạy cho cách nhồi bông, may vá để làm nên những chiếc đệm đẹp nhất.”
Công việc làm đệm bông gạo đã gắn bó với bà Thoa từ những ngày còn bé.
Kĩ năng làm đệm bông gạo của bà Thoa không những được ông bà ngày xưa chỉ dạy, mà còn nhờ thời gian bà làm công nhân dệt ở xưởng dệt của Sơn La. “Thời ấy, công việc làm đệm bông gạo nằm trong kế hoạch C của xưởng dệt. Vì được học cách làm đệm từ ngày bé, nên hầu như phụ nữ chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ.”
Sau khi nghỉ việc ở xưởng dệt, bà Thoa đã tự mở một cửa hàng cho riêng mình. Vừa để giới thiệu sản phẩm đặc sắc của người Thái, vừa được thỏa sức thể hiện sở thích may vá trên từng tấm vải. Ấy vậy mà cái nghề này cũng theo bà đến gần 40 năm rồi.
Cửa hàng tầm 20 mét vuông được bà Thoa dành một phần để làm nơi trưng bày sản phẩm, diện tích còn lại dùng làm chỗ chứa nguyên vật liệu và cũng là nơi bà ngồi làm đệm.
Loại bông gạo chất lượng cao, có màu trắng tinh, sạch sẽ là nguyên liệu chính mà bà Thoa lựa chọn.
Nguyên liệu chính để sản xuất loại đệm truyền thống này là bông gạo- một loại bông màu trắng, mịn, sạch sẽ. Vải để bọc đệm thường là các loại có màu sắc sặc sỡ theo phong cách của người Thái. “Ở vùng cao này lạnh lắm, nên những màu sặc sỡ thế này sẽ tạo cảm giác ấm áp hơn.” Bà Thoa cho biết thêm.
Bà Thoa cắt vải thành hình chữ nhật theo kích thước của giường, may kín ba mép, rồi may các đường dọc cách nhau 10cm, chạy song song theo chiều dài của đệm.
Bà thường phải mặc quần áo dài tay, kín đáo để cản bớt bụi bông bay vào người.
Bà dùng một cái thanh nhựa nhằm cố định mặt vải phía dưới và một cái gậy tre để đẩy bông vào thân đệm. Bà bảo nhìn thì đơn giản vậy thôi nhưng cần phải khéo léo để phần bông được dàn trải đều, giúp mặt đệm không bị gồ gề và không gây đau lưng cho người nằm. Mất khoảng một ngày để bà hoàn thành một chiếc đệm hoàn chỉnh, từ cắt, may, nhồi bông đến khâu viền trang trí. Và khi những chiếc đệm vuông vắn, sặc sỡ được giao đến tay khách, cũng là lúc toàn thân bà lấm bẩn bởi bụi bông, hai đầu gối mỏi nhừ vì phải ngồi lâu một chỗ.
Đệm thành phẩm phải được may vuông vắn, chắc chắn, độ dày phải đồng đều thì mới đạt yêu cầu.
Ngoài đệm nằm, bà Thoa còn làm các loại đệm ngồi truyền thống. Loại đệm này được người Thái dùng thay những chiếc ghé ngồi khi có khách đến chơi nhà hoặc ngồi để ăn cơm uống nước. Đệm bông gạo của bà được khách hàng rất thích thú và ưa chuộng vì nó được làm chắc chắn, có độ đàn hồi tốt, lại tạo cảm giác êm ái dễ chịu khi sử dụng.
Đệm nằm và đệm ngồi khi làm xong được bà Thoa bọc trong túi bóng cẩn thận và trưng bày ở cửa hàng.
“Làm đệm bông gạo không hề nhàn hạ chút nào. Tôi còn bị bệnh viêm mũi vì thường xuyên tiếp xúc phải bụi bông. Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng bám trụ với công việc này vì nó không chỉ là sản phẩm gửi đến khách hàng mà còn là nét văn hóa của người Thái chúng tôi.” Bà Thoa tâm sự thêm.
Cuộc sống hiện đại hơn, đã có nhiều loại đệm mới xuất hiện nhưng bà Thoa vẫn không từ bỏ cái nghề mà ông bà ngày xưa truyền lại. Đã hơn 30 năm bà gắn bó với từng sợi bông, tấm vải, những tấm đệm như nén chặt cả tấm lòng của bà – một người phụ nữ Thái muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, nên cũng trở nên đẹp và có hồn hơn bao giờ hết.