Theo báo cáo mới đây của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thị trường lợn hơi trong nước biến động giảm trong tháng qua. Cụ thể, ở miền Bắc, giá lợn hơi hiện đang dao động từ 44.000 – 49.000 đ/kg, giảm 2.000 đ/kg so với tháng trước.
Giá heo hơi hôm nay 1/12 (giá lợn hơi) đang dao động phổ biến từ 44.000 - 52.000 đồng/kg, trong đó miền Nam là nơi có mức giá tốt nhất cả nước. Ảnh minh hoạ: I.T
Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến từ 46.000 - 49.000 đ/kg, giảm 3.000 đ/kg. Giá lợn hơi thương lái thu mua tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm phía Nam hiện trung bình từ 49.000 - 52.000 đ/kg, giảm 1.000 đ/kg so với tháng trước.
Tuy giá lợn hơi đã giảm so với trước, song mức giá trên vẫn được đánh giá là đang ở mức cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), do nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Tết từ nay đến cuối năm tăng, nên thị trường sản phẩm thịt heo hơi trong thời gian tới dự báo vẫn sẽ diễn biến có lợi đối với người chăn nuôi.
Thông tin đáng chú ý là thời gian gần đây, các đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại Trung Quốc và các quốc gia khác vẫn tiếp tục diễn ra và một số ổ dịch đang tiến rất gần biên giới Việt Nam. Cụ thể, ổ dịch tại Simao thuộc TP Phổ Nhĩ (Vân Nam) chỉ cách biên giới giáp các tỉnh Tây Bắc khoảng 150km. Do đó, nguy cơ ASF xâm nhập vào Việt Nam xâm nhiễm vào Việt Nam ngày một cao.
Trong khi đó, tình hình buôn bán, vận chuyển tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc, vẫn đang xảy ra. Từ tháng 8 đến nay, các địa phương đã bắt giữ, xử lý 63 vụ, tiêu hủy 324 con lợn các loại và 16.814kg các loại sản phẩm của lợn được vận chuyển trái phép hoặc không rõ nguồn gốc.
Theo Bộ Thương mại Mỹ (USDA), sản lượng thịt lợn của Trung Quốc năm 2018 dự báo giảm 1,4% so với năm 2013 do dịch ASF ngày càng nghiêm trọng với gần 80 trường hợp bùng phát dịch tại 16 tỉnh và 4 thành phố, tăng gấp 2 lần so tháng trước.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn sẽ là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới trong năm 2018 (chiếm 48% sản lượng thịt lợn thế giới). Sang năm 2019, sản lượng thịt lợn của nước này dự báo sẽ tăng 1,2%, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của năm 2014 khi sản lượng thịt lợn chạm đỉnh.
USDA cũng dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2019 tăng 1,4% so với năm 2018. Đứng thứ 2 và thứ 3 là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, chiếm lần lượt 21% và 11% sản lượng thịt lợn toàn cầu. Brazil và Nga là nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 4 và thứ 5 thế giới.
Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia sản xuất thịt lợn đứng thứ 6 thế giới khi sản xuất 2,39% tổng sản lượng toàn cầu.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 11 năm 2018 ước đạt 50 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 508 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. Mười tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm đạt 25,3 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. |